Theo vị chuyên gia từng nhiều lần dẫn đầu đoàn TTVN ở các đấu trường quốc tế đỉnh cao, SEA Games 2003 là một cú “hích” hoàn hảo cho cả một nền thể thao, còn với cá nhân ông cũng là lần “cầm quân” hạnh phúc nhất, đáng nhớ nhất.
Ký ức càng trở nên sống động với vị “tướng già” tuổi 76 đúng dịp kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam, khi SEA Games trở lại Việt Nam vào tháng 5 tới.
Mới xếp hạng 6 toàn đoàn ở thời điểm nhận đăng cai
Nguyên Vụ Trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao Ủy ban TDTT, Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh hãy còn nhớ như in thời điểm Việt Nam được giao quyền đăng cai SEA Games 22, vào 11/3/2000. Ông cùng các nhà quản lý ngành hiểu rõ về cơ hội lịch sử cho thể thao Việt Nam song cũng thấy rõ những thách thức cực lớn đặt ra trong quỹ thời gian vỏn vẹn 3 năm và 9 tháng.
Khi đó, cả khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình là bãi trống mênh mông. Kinh nghiệm điều hành tổ chức một sự kiện quốc tế lớn, thậm chí những cuộc đấu đơn môn gần như là con số 0…
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất chính là lực lượng cùng thành tích, bởi kết thúc SEA Games 1999, chúng ta đứng mãi vị trí thứ 6. “Chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo VĐV mới được triển khai ba năm trước đó, trong khi mục tiêu quan trọng hàng đầu cho SEA Games 22 trên sân nhà là phải lọt vào Top 3 toàn đoàn”, ông Minh phân tích lại bối cảnh đầy thử thách ấy. Thậm chí, ngành thể thao từng phài đưa ra ba phương án, trong đó có phương án tối thiểu chỉ tổ chức 20 môn, có thể không đứng trong Top 3 nếu việc chuẩn bị lực lượng không đảm bảo. Chỉ một vài môn như vật, bắn súng, taekwondo, wushu, pencak silat tương đối có nền tảng, còn lại đều phải gây dựng lại từ đầu.
Từ đó, ngành thể thao đã phải “cầm chịch” một khối lượng công việc lớn, mới, khó như vậy trong sức ép cả về chất lượng lẫn quỹ thời gian. “Đơn cử môn điền kinh, chúng tôi phải trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ việc tuyển chọn, đào tạo VĐV cho mấy chục địa phương, rồi lo tập huấn cả ĐTQG lẫn ĐT trẻ. Chưa kể, chúng ta còn phải đấu tranh với căn bệnh gian tuổi mà theo thống kê lên tới 30% tại các giải điền kinh trẻ”, ông Minh chia sẻ. Ngoài điền kinh, còn là 30 môn khác, môn nào cũng có những vấn đề, đòi hỏi và khó khăn riêng.
Tuy nhiên, ngành thể thao, với quyết tâm cao độ đã tận dụng tốt nguồn lực đầu tư đặc biệt của nhà nước để từng bước thay đổi tình thế trước khi tạo đột phá trong quá trình chuẩn bị lực lượng. Việc “nuôi” quân dài hạn ở nước ngoài, giải pháp xuất ngoại thi đấu cọ xát đã cho thấy hiệu quả khác biệt. Một lứa VĐV trẻ tài năng của nhiều môn, có trình độ có thể tranh chấp sòng phẳng HCV SEA Games, đã đồng loạt xuất hiện. Đích SEA Games trên sân nhà đã trở thành một động lực vô cùng ghê gớm cho các nhà quản lý, huấn luyện viên cho đến từng tuyển thủ vượt lên mọi giới hạn. Như bản thân ông Minh, năm nào cũng có tới hơn 150 ngày đi các cơ sở, xuống các đội tuyển.
Đầu năm 2002, ông Minh chính thức được giao trọng trách Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 22. Đến cuối năm, qua kỳ Asian Games và nhất là màn tập dượt ở Đại hội TDTT toàn quốc, ông Minh cùng các cộng sự, đã có thể khẳng định thể thao Việt Nam hoàn toàn đủ lực lượng dự tranh theo phương án tối đa gồm 32 môn với 442 nội dung. Quan trọng hơn, như tính toán và dự báo của ông Minh “ Không chỉ chắc chắn lọt vào Top 3, mà chúng ta sẽ đua tranh ngôi đầu một cách fair-play”.
Những trải nghiệm và cảm xúc vô song ở kỳ SEA Games lịch sử
Ông Nguyễn Hồng Minh trên nhiều vai trò khác nhau từng tham dự nhiều kỳ SEA Games, Asian Games hay Olympic, cùng giải quốc tế lớn của nhiều môn. Tuy nhiên, kỳ SEA Games mà Việt Nam lần đầu đăng cai năm 2003, nơi ông làm Trưởng đoàn vẫn quá đặc biệt, với những trải nghiệm và cảm xúc vô song.
Đó là khoảng khắc ông dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam bước vào SVĐQG Mỹ Đình diễu hành tại lễ khai mạc SEA Games trong những sóng người cuồn cuộn tưởng như bất tận trên các khán đài. Đó là các chuyến đi như “con thoi” của ông qua các địa điểm thi đấu, ở nhiều địa phương mà ở đâu cũng thấy những đường phố rợp cờ xí, băng rôn, biểu ngữ. Rồi những dòng người náo nức đến chật kín các NTĐ để không chỉ cỗ vũ cho các VĐV tranh tài mà đơn giản là hòa vào ngày hội SEA Games trong niềm tự hào dân tộc dâng trào. Bài hát chính “Vì một thế giới ngày mai” cùng tiếng hô “Việt Nam chiến thắng” vang lên khắp nơi…
Để rồi tất cả đã được kết đọng và phát sáng ở các tuyển thủ quốc gia Việt Nam, những người đã thi đấu với tinh thần quyết thắng cùng niềm tự hào, khí thế dân tộc cao vút. Dường như ai cũng thi tài với 200% khả năng, phong độ của mình. Những cuộc bứt tốc trên đường chạy 800m của Nguyễn Thị Tĩnh, cú đá chẻ trứ danh của võ sĩ taekwondo Nguyễn Văn Hùng, đòn quật thắng tuyệt đối của đô vật Mẫn Bá Xuân … đã minh chứng cho tinh thần ấy. Một cuộc “vượt ngưỡng” với những kỳ tích, cột mốc mới đã liên tiếp được tạo ra ở nhiều môn theo cách vô cùng ngoạn mục và sòng phẳng.
Vật giành 22 HCV, bắn súng thậm chí đoạt 25 HCV, còn điền kinh cũng có 8 lần đăng quang, những chiến tích theo ông Minh là “vượt xa dự kiến song hoàn toàn xứng đáng”. Chính ông Minh cũng “sốc” khi có “đỉnh cao” như ngày áp chót 11/12 khi đoàn thể thao Việt Nam đoạt tới 43 HCV. Sau nửa chặng đường của SEA Games 22, ông đã tính được Việt Nam sẽ chiếm ngôi nhất toàn đoàn, nhưng vẫn không thể ngờ với con số 158 HCV cùng khoảng cách vượt tới 68 HCV so với đoàn xếp sau Thái Lan.
Vượt lên câu chuyện ngôi nhất toàn đoàn ở một kỳ SEA Games cụ thể, điều ông Minh hài lòng nhất là qua đó thể thao Việt Nam đã tạo nên một cuộc “vượt ngưỡng” và một cú “hích”, cả về diện mạo, vị thế, nền tảng. Cũng kể từ đó Việt Nam đã luôn có đủ khả năng để giữ vững một vị trí trong Top 3 SEA Games trong mọi hoàn cảnh, và quan trọng hơn vững tiến lên các đấu trường châu lục, thế giới.
Việt Nam đăng cai SEA Games 31 với điều kiện, khả năng, vị thế hoàn toàn khác
“Sau 19 năm, tại Hà Nội cùng 11 địa điểm lân cận, Việt Nam lần thứ hai đăng cai một kỳ SEA Games vào với điều kiện, khả năng hoàn toàn khác. Chúng ta đã có một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo, về cơ bản chỉ cần nâng cấp sửa chữa cho đúng tiêu chuẩn. Kinh nghiệm điều hành tổ chức của ngành thể thao cùng các địa phương cũng đã hơn trước nhiều, có được qua quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, cùng thực tế đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế lớn. Riêng về việc chuẩn bị lực lượng và mục tiêu thành tích, chúng ta cũng rất thuận lợi nhờ những bước tiến lớn trong một quá trình dài, đặc biệt từ 2015. Tất nhiên, chúng ta phải có quyết tâm và nỗ lực cao độ để vượt qua những ảnh hưởng phức tạp của dịch COVID-19, cùng những khó khăn về kinh phí.
Theo dự báo của tôi từ chương trình thi đấu, tương quan lực lượng thì Việt Nam có cơ hội lớn để tranh chấp sòng phẳng ngôi nhất toàn đoàn, với số lượng trên dưới 100 HCV”. – Nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh.