Cựu trung vệ Martin Keown của Arsenal đánh giá rất cao hệ thống 3 trung vệ vốn bị xem là lỗi thời đang được HLV Antonio Conte vận hành với ĐT Italia.
Italia gây ấn tượng cho tôi nhất tại EURO 2016. Họ không có bất kỳ ngôi sao thực sự nào nhưng đã đánh bại 2 đội tuyển mạnh (Bỉ và Tây Ban Nha), và giờ đối diện đối thủ mạnh khác là Đức.
Chìa khóa trong thành công của họ là sơ đồ được Antonio Conte áp dụng. Chơi với 3 hậu vệ ở hàng thủ bị xem là lỗi thời trong những năm gần đây, nhưng chúng ta đang thấy ngày càng có nhiều đội sử dụng.
Và khi bạn thấy một đội sử dụng sơ đồ 3 trung vệ vệ hoàn hảo như thế, ai có thể đổ lỗi cho họ?
Hiệu quả 3-5-2 của Conte
Hiệu quả dễ thấy nhất mà sơ đồ 3-5-2 của Antonio Conte đem đến cho Italia là khả năng kiểm soát tốt gần như toàn bộ mặt sân và không bị áp đảo quân số ở tuyến giữa.
Bộ ba trung vệ giúp Italia luôn chiếm ưu thế về người khi đối đầu với các tiền đạo đối phương, mà hiện nay thông thường các đội không dùng quá 2 tiền đạo.
Kế đến, cặp tiền đạo của Italia vẫn trụ lại bên phần sân đối phương do không cần phải lùi về hỗ trợ thu hồi bóng, nên đặt các trung vệ của đối thủ vào hoàn cảnh mà họ không thường gặp.
Các trung vệ ngày nay gần như đã quen với việc chỉ phải “chăm sóc” 1 tiền đạo cắm, không như thời điểm tôi bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp hầu như toàn phải đối mặt với 2 tiền đạo.
Cách thức vận hành lối chơi của Italia
Để kiểm soát hiệu quả các khu vực trên sân mà không khiến cầu thủ quá tải, Antonio Conte không yêu cầu các hậu vệ chạy cánh (wing-back - vừa tham gia phòng ngự, vừa tham gia tấn công) phải lùi quá sâu về khu vực hành lang cuối sân mà điều phối các tiền vệ trung tâm bọc lót cho các hậu vệ chạy cánh và trung vệ.
Bằng cách này, các hậu vệ chạy cánh càn quét hai biên và nhận được sự hỗ trợ của tiền vệ, trung vệ ở gần họ để tạo ra những tình huống 2 chống 2 trước các hậu vệ biên và cầu thủ chạy cánh của đối phương, khiến đối thủ không dễ lên bóng.
Song song đó, bộ ba trung vệ Barzagli, Bonucci và Chiellini gần như giữ nguyên vị trí. Tương tự là tiền vệ trụ có nhiệm vụ kiểm soát mọi khoảng trống trước mặt các trung vệ.
Nhờ có thêm một tầng bảo vệ, Bonucci - một trung vệ có khả năng chuyền bóng tốt thường sắm vai phát động phản công bằng những đường chuyền dài vượt tuyến lên cho các tiền đạo ngay khi đội nhà đoạt lại bóng.
Do đó, Italia phản công rất nhanh và sắc bén do cặp tiền đạo Graziano Pelle và Eder không phí sức lui về thu hồi bóng, trừ phi đội nhà bị ép trong thời gian dài.
Cả hai chân sút này đều không quá nổi tiếng, song hỗ trợ nhau chia tách các trung vệ đối phương khá hiệu quả.
Tại sao các đội khó bắt chước Italia
Cho tới nay, hệ thống 3 trung vệ của Antonio Conte được đánh giá rất cao, nhưng chẳng phải vô cớ mà hiếm có đội nào áp dụng giống Italia. Vì muốn vận hành tốt hệ thống này, HLV buộc phải biết rõ ông ta đang làm gì.
Đây là thế mạnh của Antonio Conte nhờ thời gian dẫn dắt Juventus, CLB chủ quản không chỉ của thủ môn Buffon, bộ ba trung vệ Chiellini, Bonucci, Barzagli mà cả tiền vệ trung tâm Sturaro.
Ngoài ra, trung vệ Angelo Ogbonna và cầu thủ chạy cánh Emanuele Giaccherini đều từng chơi cho đội bóng vùng Turin dưới thời HLV này.
Nhờ đó Antonio Conte thừa hiểu các tiền vệ trung tâm cơ động đến đâu, và các cầu thủ chạy cánh thông minh tới mức nào.
Dù vậy, hệ thống này vẫn có nhược điểm: Ngốn sức của các tiền vệ trung tâm quá nhiều, nên trong các trận qua, Antonio Conte đều phải dùng 2 lượt thay người cho các vị trí này.
Vấn đề là ở các trận trước, Bỉ và ĐKVĐ châu Âu Tây Ban Nha đều không tận dụng được nhược điểm thể lực của các tiền vệ Italia. Các nhà VĐTG Đức có thể làm được không?