Trong ngày thứ 2 ở Paris, khi trở về nhà vào lúc đồng hồ gần điểm sang 12 giờ đêm, tôi lạc vào con hẻm nhỏ dưới chân đồi Montmartre và giáp mặt một đám bặm trợn…
Lên tàu là gặp móc túi
Gần chục ngày kể từ khi đặt chân tới Pháp mới chỉ là 1/3 quãng đường hành trình tác nghiệp ở EURO, nhưng nó đủ để tôi nếm trải những kinh nghiệm rùng mình. May mắn là những điều tồi tệ, tai nạn không xảy ra. Và tôi biết như thế rất may mắn.
Thực tế, những cảnh báo, chia sẻ, khuyên nhủ đầu tiên dành cho tôi ngay từ khi còn ở Việt Nam đó là tình trạng móc túi tại các ga và trên tàu điện ngầm của Pháp xuất hiện cực nhiều.
Một anh bạn đồng nghiệp của tôi đã sớm trở thành nạn nhân của “những kẻ 2 ngón chuyên nghiệp” rất khéo hóa trang thành những người dân bình thường, kiểu như đi chợ về với túi đồ mua trong siêu thị, cố tình để cái bánh mỳ lòi ra. Anh bạn tôi đã mất khoảng 100 euro và chỉ biết chuyện khi được người đi tàu gọi và chỉ cho chiếc ví đang nằm chổng chơ dưới sàn.
Tôi và hai anh bạn đồng nghiệp sau khi làm việc xong trở về nhà vào lúc tan tầm một lần nữa chạm mặt những kẻ móc túi như thế.
Một gã béo trung niên đầu hói, mặc áo khoác xanh rộng đeo chiếc túi đen ở một bên, đã cố ý áp sát anh bạn tôi trong dòng người đông đúc đang chen chân lên tàu. Nhưng chúng tôi đã cảnh giác. Và cái bàn tay trái của gã béo giấu ở mặt sau chiếc túi xách có lẽ cũng “đánh hơi” rằng sẽ chẳng xơ múi được gì. Gã vội vã xuống ngay ở ga kế tiếp và biến mất.
Chúng tôi đều mỉm cười và bàn tán lại câu chuyện khi về nhà. Nhưng sau cùng tất cả đều hiểu, đó mới chỉ là một trong vô số những kẻ móc túi đang hoạt động ở 14 đường tàu điện ngầm chạy ngang dọc Paris, trên xe bus và cả Tram (xe điện chạy trên mặt đất). Và hành trình tác nghiệp còn rất dài.
Một sự chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp giảm thiểu tối đa rủi ro bị những kẻ hai ngón hỏi thăm. Ví như với tôi, đó là mua chiếc khóa nhỏ ở Việt Nam để luôn khóa chặt balo khi di chuyển, chỉ đút vài euro lẻ trong túi quần, điện thoại phải để ở túi trước và khi lên tàu tốt nhất kiếm chỗ ngồi hoặc đứng tựa lưng vào thành tàu.
Còn nếu không có chỗ dựa, tốt nhất phải nhìn ngang ngó dọc để biết sau lưng mình có kẻ đáng ngờ hay không.
Gặp cướp đêm khuya
Khu tôi ở trọ trong cả chiến dịch tác nghiệp EURO là phố Lepic, thuộc quận 18, nằm ngay dưới chân đồi Montmartre nổi tiếng. Đó là địa điểm du lịch được ưa thích bậc nhất ở Paris. Và thường thì nơi nào có điểm du lịch cũng xuất hiện tệ nạn và là “đất diễn” của những đám côn đồ, lưu manh trộm cắp vặt bản địa.
Nguyễn Mai, một cô gái dễ mến đã ra trường và đi làm ở Paris mà tôi quen qua một người bạn cũng đã cảnh báo khi biết tôi thuê nhà ở Lepic. “Khu đó tập trung đông khách du lịch, mà đám du lịch bụi cũng sẵn sàng “chôm” đồ của người khác anh ạ. Và dân bản địa tại đây phần nhiều gốc Bắc Phi, rất phức tạp, an ninh buổi tối không tốt, anh phải đề phòng”.
Sự thực, vào ban ngày khi lượng khách đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồi Montmartre thì đó là thời điểm vàng để bọn móc túi ra tay, hoặc những kẻ chuyên xin đểu bằng cách buộc chiếc vòng đan từ những sợi chỉ màu vào cổ tay bạn ra vẻ nồng hậu đón khách nhưng sau đó chìa tay đòi bằng được 20 euro. Hoặc tệ hơn, chúng còn làm ảo thuật như thể thôi miên rồi lột đồng hồ đeo tay, nhẫn của bạn bất cứ lúc nào không hay.
Tôi đã thấy không ít người dở khóc dở cười với những tình huống như thế.
Còn vào buổi tối, rất nhiều quán ăn, café, bar cỡ nhỏ sáng đèn ở những con phố chạy men sườn dốc xuống dưới chân đồi Montmartre. Đi bộ ở đó tương đối an toàn. Nhưng chỉ cần lạc sang một vài con ngõ nhỏ ngay bên cạnh, nơi vắng bóng người, chỉ có vài cột đèn tù mù và hai bên là những dãy nhà im ắng, hẳn sẽ thấy lạnh người.
Tôi đã trải qua tình huống như thế, khi trở về từ Fanzone nằm dưới chân tháp Eiffel sau trận khai mạc kết thúc vào lúc 11h đêm. Thêm hơn 30 phút đi tàu điện ngầm, tức khi về ga Abbesses ở gần nhà đồng hồ sắp điểm sang 12h khuya. Trong ngày thứ 2 ở Paris còn chưa thạo đường, khiến tôi bước vào một con ngõ nhỏ, khá tối dưới chân đồi Montmartre.
Sẽ không vấn đề gì nếu con ngõ đó chẳng có ai, nhưng ở đầu ra bên kia có một tốp chừng 5-6 gã thanh niên, cả người Pháp da trắng lẫn vài tên gốc Phi trông đều ngổ ngáo, băm trợn đứng tụm lại bông đùa nói chuyện. Chúng đáp cho tôi cái nhìn không thân thiện từ xa. Nó khiến tôi thực sự lo sợ bởi nếu chúng là côn đồ, cướp thật, chiếc ba lô lỉnh kỉnh những máy ảnh, máy tính, ví tiền ở sau lưng có thể mất trắng. Và quan trọng hơn, sự an toàn cho bản thân hoàn toàn sẽ bị đe dọa.
May mắn, khi cố giữ vẻ mặt lạnh lùng, sự điềm tĩnh và rảo bước thật nhanh, tôi đã bình an vô sự bước qua đám băm trợn này và cả con ngõ nhỏ đáng sợ mà tôi tự nhủ sẽ không bước chân đi lại lần thứ hai, nếu còn về nhà vào tối muộn.
(Còn nữa…)