Không phải bất kỳ ly rượu vang hảo hạng nào mà câu chuyện đồng hương, giữa người Việt với nhau, mới là “ly rượu” khiến tôi thấm nhất ngay khi đặt chân xuống Bordeaux.
Tôi đến Bordeaux khi đồng hồ đã điểm đầu giờ buổi tối. Dù những đặc điểm về địa lý, thời tiết, khiến thời gian mặt trời chiếu sáng trong ngày ở châu Âu vào mùa Hè rất dài. 7h tối mà trời vẫn sáng như giữa trưa.
Dẫu vậy, nó không đánh lừa được cảm giác mệt mỏi của tôi, sau khi nhừ người vì gần 10 tiếng ngồi tàu, đợi chuyển tàu và ách tắc trên đường. Nhưng đó là lúc chiếc điện thoại đổ chuông, khi tôi còn đang ngơ ngác nhìn bản đồ và phán đoán hướng đi bên ngoài nhà ga trung tâm.
Tôi nhận ra đó là số của Lân cùng giọng nói nhỏ nhẹ của chàng trai tôi bất ngờ được xếp ngồi chung trên chuyến bay đến Paris gần 2 tuần trước.
Đó là cuộc gặp gỡ mà tôi gọi là “có duyên”, bởi tôi ngồi phía dưới cả chục dãy ghế và chỉ gặp Lân khi có người nhờ đổi chỗ. Và rồi cuộc gặp ấy đã mở ra cuộc hẹn hôm qua, giữa Bordeaux, khi lần đầu tiên tôi tới thủ phủ rượu vang của Pháp để tác nghiệp.
Chỉ mất chừng 7 phút ngồi xe bus, tôi đã xuống đúng trạm được Lân chỉ dẫn rất tỉ mỉ. Và tại đó, cậu sinh viên năm nhất đại học Bordeaux Montesquieu, với cặp kính cận và dáng vẻ mảnh khảnh đã chờ sẵn để đón tôi, người dù mới gặp 1 lần trên máy bay và trao đổi dăm ba tin nhắn, cuộc điện thoại ngắn ngủi hỏi thăm trên đất Pháp xa lạ này.
Sự chu đáo, chân thành của Lân khiến tôi như bỏ hết lại sau lưng hành trình mệt mỏi, nhất là khi cậu dẫn tôi sang ngôi nhà thuê ngay cạnh, một căn phòng khang trang, sạch sẽ, rất tiện đi lại, và kèm theo lời mời: “Cất xong đồ, em sẽ dẫn anh ra quán ăn ở đấy anh em phục vụ toàn người Việt mình cả”.
Chỉ nghe thế thôi tôi càng thấy phấn chấn hơn. Bởi trên đất khách quê người, sau 4 ngày lăn lộn trên các chuyến tàu, ở khách sạn, chạy mỏi đôi chân tác nghiệp, từ Pháp qua TBN và giờ trở lại Pháp, không gì thoải mái là cuộc gặp gỡ với những người đồng hương.
Đôi khi, chỉ được nghe một giọng tiếng Việt cất lên ở tận trời châu Âu này, bạn sẽ thấy hạnh phúc và bớt cô đơn lắm.
Và tôi không lãng phí thời gian cũng như để Lân phải đợi lâu.
Cả hai cuốc bộ từ nhà ra quán ăn cách đó chỉ chừng 300 mét. Quãng đường đi ấy vòng qua khu chợ Capucins mà theo như lời giới thiệu của “người dẫn Tour” - tôi vui vẻ gọi Lân như thế, là khu chợ truyền thống ở khu vực này, nơi mà Lân ví là chẳng khác nào “Hàng Gai, Hàng Đào, Bờ Hồ” ở Hà Nội, nếu xét vào vị trí trung tâm của Bordeaux.
Và quán ăn Lân dẫn tôi tới gây cho tôi một sự tò mò khác, bởi nó mang tên Thái: Pitaya.
“Đây là quán của người Việt mình hả em, sao lại bán đồ ăn Thái vậy?”, tôi thắc mắc. “Không anh à, ông chủ là Tây, chẳng phái người Thái. Nhưng anh em phục vụ là người Việt mình hết. Mọi người thân nhau lắm”.
Trong trí tưởng tượng của tôi, dân mình qua trời Tây làm phục vụ, trong tiệm ăn hay nhiều ngành dịch vụ khác thường là dân lao động xuất khẩu, hoặc chuyển theo người nhà và sang đây với bản tính cần cù, chăm chỉ, họ có thể làm bất kỳ việc gì dù nặng nhọc nhất.
Nhưng hóa ra lần này tôi đã đoán sai. Hai anh chàng đang hì hục vừa nấu nướng, vừa ghi yêu cầu của khách và kiêm luôn vai trò “cầm két”, một khá nhỏ bé và một trông to cao có lẽ ngót nghét 90 kg đều là dân học hành cả.
“Anh Thao”, Lân chỉ vào anh chàng đang mải chế biến món ăn, “là dân sành sỏi Bordeaux lắm đó. Anh ấy đã học xong Đại học tại đây, đang học thạc sỹ trên Paris và cứ Hè là về đây làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Còn anh béo kia tên Trung Anh cũng là sinh viên như em”.
Chỉ khi nghe Lân giới thiệu bằng tiếng Việt, hai anh chàng đang hì hụi nấu nướng, thu tiền, mới ngước lên nhìn tôi mỉm cười tươi thân thiệt, cử chỉ đủ để tôi cảm nhận rõ rệt sự ấm áp chân thành giữa những người đồng hương.
Chưa hết, như để bày tỏ sự hậu đãi khi gặp một đồng hương từ tận nơi xa đến, anh chàng béo Trung Anh khệ nệ bê ra suất ăn cho tôi mà thoáng nhìn vào, tôi đoán chắc phải 2 người mới ăn hết.
“Em đố anh ăn hết bát Pad Thai (giống món phở xào ở Việt Nam) này”, Trung Anh cười vang, “Đùa chút thôi, nếu ăn không hết anh gói vào hộp mang về. Ở đây không được để thừa đồ nhé”.
“Gọi 2 suất nhưng anh ấy chỉ tính tiền 1 thôi đấy nhé, em với bạn đi ăn cũng chưa bao giờ được ưu ái thế đâu, anh cố mà ăn hết”, Lân cũng cười nói chêm vào.
Nhìn bát tô Pad Thai đầy có ngọn, tôi chợt nhớ một câu nói nổi tiếng mà chẳng biết nó có được gọi là châm ngôn hay không, rằng “Con đường dẫn đến trái tim phải đi qua dạ dày”.
Phải! Cách thể hiện sự quan tâm, tình cảm dành cho nhau, không cần phải bằng những món quà đắt tiền xa xỉ hay hành động hào nhoáng nào hết. Một suất ăn bạn tự tay làm cho người khác cũng là cách bày tỏ sự chu đáo, và ở đây là tình đồng hương, hết sức chân thành.
Tất nhiên, cố hết sức tôi vẫn không ăn hết suất ăn ú ụ mà Trung Anh đã tự tay làm. Nhưng bữa ăn đặc biệt ấy, giữa một quán đồ Thái, của ông chủ Tây, vẫn khiến tôi vẫn thấy “đói” khi nghe những câu chuyện thấm đẫm tình đồng hương từ Lân, hai anh chàng phục vụ quán kể về cộng đồng người Việt ở Bordeaux này.
“Em vẫn nhớ Tết năm ngoái, lần đầu xa nha, bọn em tụ tập ở nhà một bác người Việt tại đây và tất cả đã gói tới 150 cái bánh chưng, sau đó ngủ gà ngủ gật ngồi luộc giữa trời lạnh. Mùa Đông ở đây lạnh lắm. Mùa Hè đỡ hơn nhiều, những vẫn lạnh hơn hẳn so với ở nhà mình”, Lân chia sẻ trong lúc ăn.
Vâng, nếu có điều gì buồn tủi nhất với mỗi người Việt xa nhà, đặc biệt ở Châu Âu hay những vùng đất khác vốn khác biệt xa về văn hóa, đó là nỗi nhớ quê trong thời điểm Tết đến Xuân về.
Bởi thế, có thể hiểu tình cảm da diết mà người xa xứ dành cho đồng hương mỗi khi có cơ hội gặp gỡ ngắn ngủi.
Với tôi, Lân và những Trung Anh hay Thao. Buổi gặp này có lẽ là cái Tết riêng của chúng tôi, trên đất Pháp, giữa mùa Hè…
Bordeaux, 20/6/2016