Các chuyên gia kinh tế không còn lạ gì với thuật ngữ: “Socceconomy” - Hiểu nôm na là “Kinh tế bóng đá”. Trong một bản báo cáo từ cách đây 10 năm mang chính cái tên Socceconomy, ngân hàng danh tiếng ABN AMRO của Hà Lan đã phân tích việc một ĐT giành chức vô địch World Cup tác động thế nào tới sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó.
Theo ABN AMRO, khi một ĐT đăng quang ở World Cup thì nền kinh tế của quốc gia này cũng tăng trưởng thêm 0,7%, nhờ nhân tố “niềm phấn khích dâng tràn”.
Nói rõ hơn, kinh tế của quốc gia VĐ World Cup tăng trưởng nhờ CĐV và người dân nói chung sẵn sàng chi bạo tay cho các buổi tiệc tùng sau đó, cũng như tăng mua sắm đồ dùng cá nhân, đồ lưu niệm liên quan đến ĐT, hay đi du lịch...
Dưới con mắt của các nhà kinh tế, như thế có nghĩa “niềm tin của người tiêu dùng lên cao” và điều này có lợi cho bất kỳ nền kinh tế nào, dù lớn hay nhỏ.
Còn nhớ, tại World Cup 2006, Italia vượt qua Pháp cũng sau loạt đá luân lưu may rủi để lần thứ 4 đăng quang. Và hệ quả từ “sự phấn khích dâng tràn” đó là mức tăng trưởng kinh tế của Ý trong 2 quý còn lại của năm (từ tháng 6 đến hết tháng 12) đã tăng 2%, còn GDP tăng trên 250 tỷ USD từ năm 2006 đến 2007. Chưa hết, nguồn thu từ du lịch cũng tăng từ 38,3 lên 42,7 tỷ đô-la.
Và Italia không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi từ vinh quang sân cỏ. Trong quá khứ, Argentina sau chức VĐ World Cup 1986 ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế chóng mặt: 7,1% trong năm đó.
Còn năm 1990, sau khi đăng quang, Đức công bố mức tăng trưởng kinh tế đạt 5,7%, vượt xa dự báo trước đó. Và với Brazil sau 2 chức VĐ vào các năm 1994 cùng 2012, kinh tế nước này cũng đi liền với các mức tăng trưởng 5,9% và 2,7% khiến chính phủ hài lòng.
Đấy là hiệu ứng từ World Cup, còn với EURO, giải đấu có chất lượng và độ phủ sóng truyền thông không thua kém là bao, một ĐT đăng quang tại giải cũng tác động không nhỏ tới nền kinh tế của quốc gia đó.
Gần nhất là trường hợp của Tây Ban Nha, đội đã đăng quang ở 2 kỳ EURO mới đây. Sau khi TBN vô địch EURO 2012, cả tuần lễ sau đó người dân xứ đấu bò vẫn đắm mình trong các bữa tiệc ăn mừng.
Ăn chơi nhảy múa lâu như thế đương nhiên “đốt” không ít tiền. Ngoài ra, doanh thu bán lẻ cũng tăng cao khi người dân sẵn sàng mua sắm nhiều hơn.
Thậm chí, chức VĐ EURO 2012 còn mang “trọng trách quốc gia”, bởi khi đó nó như liều thuốc giúp xoa dịu nỗi lo nhọc nhằn đời thường ở đất nước mà cứ 4 người công nhân thì 1 đang thất nghiệp.
Còn các biện pháp kinh tế thắt lưng buộc bụng nhằm đối phó với lạm phát, khủng hoảng khiến cuộc sống trở nên khó khăn và hệ thống ngân hàng mong manh như lâu đài cát, trước đấy không lâu còn cần Liên minh châu Âu “bơm” 100 tỷ euro để tránh sụp đổ.
Với những quốc gia thắng trận là thế, còn kẻ thất bại sẽ ra sao?
Trong bản báo cáo của ABN AMRO cũng chỉ ra rằng, thông thường, thất bại ở trận CK sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của quốc gia đó, mà cụ thể hơn thì chỉ số tăng trưởng kinh tế có thể giảm 0,3%.
Điều này không phải không có cơ sở. Bởi nếu đội nhà thất bại, đặc biệt là ở trận chung kết, đó sẽ là nỗi thất vọng tột cùng và CĐV nào còn tâm trí tiệc tùng, mua sắm hay đi du lịch.
Trở lại với câu chuyện thất bại trên chấm 11m của Italia trong trận đấu được ví như “chung kết sớm” của EURO năm nay, trước tuyển Đức, giờ câu hỏi là liệu việc bị loại sẽ ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế Ý, thông qua thước đo mang tên “niềm phấn khích dâng tràn”?
Có thể khẳng định, CĐV Ý đông đảo và là những người máu mê bóng đá nhất trong số 8 quốc gia ở tứ kết EURO năm nay.
Cảnh hàng nghìn tifosi rồng rắn từ các ngõ ngách thủ đô Roma đổ về quảng trường Cosimato cổ vũ cho Azzurri trước màn hình lớn từ chiều cho tới tận đêm khuya, với pháo sáng, cờ và cả trái tim, chính là bầu không khí bóng đá náo nhiệt nhất bên ngoài nước Pháp mùa Hè này.
Nhưng dù sáng qua những tờ báo ở Italia, như Corriera della Sera, Gazzetta, La Repubblica, Corriere dello Sport đều nhắc đến cụm từ “Không khóc”, còn sau trận các tifosi vẫn vỗ tay vang dội khen ngợi đội nhà thì thất bại vẫn là thất bại.
Ít nhất, người Ý không có thêm 1 trận đấu nữa để cổ vũ cho Azzurri và đương nhiên giấc mơ vô địch đã tan nát. Bia sẽ không chảy tràn trên quảng trường Cosimato nữa và biết bao nhiêu chiếc bánh Pizza sẽ không được tiêu thụ ở chặng đường còn lại của EURO.
Giờ thì Roma cũng như các thành phố khác trên khắp Italia sẽ trở lại cuộc sống thường nhật. Nỗi buồn EURO sẽ trôi qua nhanh, bởi thực tế, người Ý còn phải đối mặt những khó khăn về kinh tế đang khiến đất nước đứng bên bờ vực khủng hoảng.
Những báo cáo mới nhất chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Italia đang ở mức 12% (với người trẻ tuổi tỷ lệ lên tới 40%), cao nhất kể từ 2007, nợ công tới 2,23 nghìn tỷ euro - cao nhất trong lịch sử, và cũng giống như TBN 4 năm trước hiện hệ thống ngân hàng Italia đối mặt nguy cơ sụp đổ.
Có tới hơn 600 ngân hàng Italia đang hoạt động và tất cả các chi nhánh con của họ gộp lại thậm chí còn nhiều hơn số tiệm bánh Pizza trên khắp đất nước hình chiếc ủng.
Nhưng thay vì làm ăn hiệu quả, các ngân hàng đang để mức nợ xấu vượt mốc 360 tỷ euro. Riêng ngân hàng lớn nhất Italia, UniCredit đã mất một nửa giá trị chỉ sau 6 tháng đầu năm nay.
Giờ Thủ tướng Matteo Renzi phải chạy đôn đáo vận động trong khối EU bơm tiền giúp hệ thống ngân hàng Ý, trong đó có cả ngân hàng lâu đời nhất thế giới: Monte dei Paschi di Siena (thành lập từ thế kỷ 15) vượt qua bão táp.
Trớ trêu, đối tác mà người Ý cần thuyết phục nhất lúc này chính là Đức, trụ cột chính của EU. Rạng sáng qua Italia đã thất bại trước Đức sau loạt sút luân lưu may rủi.
Liệu với “niềm phấn khích dâng tràn”, dù còn cách chức VĐ 2 trận đấu nữa, người Đức có sẵn sàng chìa bàn tay cứu vớt Italia trong “trận bóng kinh tế”?