Thư EURO: Cơm cân “chặt” & món nem Việt bị “chôm” thương hiệu

thứ năm 16-6-2016 14:07:29 +07:00 0 bình luận
Đi tác nghiệp ở trời Âu xa xôi đương nhiên không chỉ cá nhân tôi mà nhiều anh em khác thèm và nhớ nhất 2 món: cơm & rau xanh.

Đi tác nghiệp ở trời Âu xa xôi đương nhiên không chỉ cá nhân tôi mà nhiều anh em khác thèm và nhớ nhất 2 món: cơm & rau xanh. Nhưng trong lần đầu tiên mon men đi ăn thử món cơm trên đất Pháp, đó là bữa ăn cực… “chát”.

Cơm “chặt” dưới chân đồi Montmartre

Khu tôi ở trong hơn 1 tháng tác nghiệp tại Pháp là con đường Lepic nằm ngay dưới chân đồi Montmartre, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Paris. Bởi là điểm du lịch, những tiệm bánh ngọt, quán café – những “đặc sản” của Paris mọc lên như nấm ở những con đường nhỏ quanh co dẫn lên đồi.

Và tất nhiên tại khu vực này cũng có rất nhiều quán ăn. Từ nhà hàng nhỏ và vừa đến những quán ăn nhanh và trong đó có khoảng 5-6 tiệm bán đồ ăn châu Á, tất đều do người Trung Quốc đứng bán.

Thư EURO: Cơm cân ''chặt'' & nem nhái ''thương hiệu''

Những quán cơm chủ yếu do người Hoa bán ở khu chân đồi Montmartre

Nỗi thèm cơm, rau, thôi thúc tôi bước vào một quán như thế, sau một ngày dài đi tác nghiệp mệt lử trở về. Vì là quán ăn của người Hoa, nên hầu hết các món đều mang phong cách của họ.

Thậm chí, món cơm trắng rang với đậu Hà Lan, xúc xích, lạp xưởng thái nhỏ cũng được đặt tên “cơm Quảng Châu”, trong khi tôi nhớ nó chẳng khác nào đĩa cơm rang thập cẩm ở Việt Nam mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ quán ăn nào treo biển “Phở & cơm rang”.

Tất cả đồ ăn trong những quán kể trên đều bán theo kg, nghĩa là xúc vào hộp cân lên và tính tiền. Tất nhiên, khi xúc đồ ăn, người bán sẽ hỏi bạn là có bao nhiêu người ăn, nhưng điều gây ức chế nằm ở chỗ, dù bạn mua một suất hay cho nhiều người thì đồ ăn luôn được nhồi đầy những chiếc hộp.

Chủ quán dường như không nghe thấy yêu cầu “Stop” hay “That’s enough!” (vậy là đủ rồi) từ phía thực khách. Và tôi cũng là một trong số những “nạn nhân đó”. Một hộp cơm, 2 hộp rau và 1 hộp thịt tôi gọi được ních đầy và khi nhân viên cân lên nó có giá tận hơn 21 euro, tương đương 525.000 tiền Việt.

Thư EURO: Món cơm cân chặt & Món nem Việt bị chôm thương hiệu

Với số tiền đó, 3-4 người có thể ăn ngon lành ở bất kỳ quán cơm vỉa hè nào tại Việt Nam. Vẫn biết, sự so sánh giữa hai quốc gia tương đối khập khiễng, nếu nhìn vào bình quân thu nhập đầu người. Nhưng 21 euro cho một bữa cơm rõ ràng hơi “chát” với ngay cả người bản địa, chứ đừng nói đến một phóng viên đi tác nghiệp như tôi.

Đến đây, tôi mới nhớ lại lời khuyên của một anh bạn thường trú làm việc bên này: “Em nên vào những quán ăn của người Thổ Nhĩ Kỳ, bởi ở đó mỗi suất chỉ khoảng 8 euro nhưng cũng có cơm, thịt Kebab, đủ no căng bụng”.

Quả là “đắng” thật!

Và món nem Việt bị “chôm” thương hiệu

Một điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả khi tìm hiểu những quán ăn châu Á ở dưới chân đồi Montmartre là món nem cuốn trứ danh của Việt Nam (hay còn gọi là chả giò), một trong những món ngon quốc hồn quốc túy mà người Việt thường làm để tiếp đãi khách nước ngoài, cũng bị… làm nhái.

Thậm chí, họ còn “biến” tên món đặc sản của Việt Nam thành “Nems” hoặc “Nêm”, và nếu để nguyên là “Nem” thì chẳng hề có nguồn gốc món ăn kiểu như thêm từ “Vietnamien” phía sau.

Thư EURO: Món cơm cân chặt & Món nem Việt bị chôm thương hiệu

Nem Việt bị thay tên thành “Nêm” hoặc “Nems”

Người Trung Quốc quả thực có khả năng… “sáng tạo” vô tận về đặt tên sản phẩm theo kiểu đánh lận với những thương hiệu nổi tiếng. Nhìn vào món “Nems”, “Nêm”, tôi lại nhớ đến Docha&Cabanov (gây hiểu nhầm của Dolce&Gabbana) hay Pasunnic, Panosaonic (Panasonic) hoặc KLG (KFC)…

Thông thường, món nem Việt được chế biến với nguyên liệu chính là thịt lợn, nhiều chỗ có thêm tôm hoặc cua để chiếc nem thêm thơm ngon đậm đà. Nhưng ở đây, chiếc “Nems” còn được chế biến với cả… thịt lườn gà.

Điều này có lẽ là cho thêm khẩu vị phù hợp với người Pháp, nhưng rõ ràng nó khiến cái gốc của món nem Việt xịn bị pha tạp, mất đi bản sắc, hương vị, cái ngon vốn có. Và tôi không muốn thử một cái nem như thế, nhất là khi mỗi cái nem khá nhỏ (làm từ thịt lợn hoặc tôm, gà hay đồ chay) có giá từ 0,65 đến 1,3 euro/chiếc, tương đối đắt.

Thư EURO: Món cơm cân chặt & Món nem Việt bị chôm thương hiệu

Mỗi suất 4 chiếc nem bé xíu, kèm vài cái cuốn khác có giá gần 8 euro, khoảng 200.000 nghìn đồng

Và không chỉ có nem, nhưng tấm biển quảng cáo đồ ăn tại những quán kể trên còn có một loạt đặc sản khác của người Việt, vốn đã trở thành đại diện cho ẩm thực Việt trên khắp thế giới.

Đó là tô “Phô” (phở), có giá tận 8,5 euro (khoảng 210 nghìn đồng/bát). Là “Bo Bun” (món bún bò) có giá từ 5,5 đến 7 euro/bát, nhưng bị biến tấu thành bún với… thịt lườn gà, tôm, hay “Nems” và mỗi bát chỉ có một nhúm nhỏ rau sống.

Thư EURO: Món cơm cân chặt & Món nem Việt bị chôm thương hiệu

Bún bò bị… “biến thể”

Món duy nhất tôi thấy ở một nhà hàng như thế được giữ nguyên tên: Ravioli Vietnamien, tức bánh cuốn Việt Nam. Đó là những chiếc bánh cuốn có nhân, nó gợi nhớ lại cửa hàng bán món này nổi tiếng tại Hàng Gà, Hà Nội. Nhưng ở đây mỗi chiếc bánh cuốn nhỏ xíu có giá tận 1,3 euro, mà một người thường như tôi chẳng hạn sẽ phải ăn từ 5-7 chiếc mới thấy “ấm bụng”.

Thư EURO: Món cơm cân chặt & Món nem Việt bị chôm thương hiệu

Bánh cuốn giá khá đắt, chưa kể còn phải bỏ tiền mua nước chấm

Và đừng quên, sau khi mua bánh cuốn hay “Nems”, bạn còn phải trả tiền mua… những hộp nước chấm nhỏ xíu.

Đúng là chặt chém đủ đường!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm