Những ai xem trận đấu giữa tuyển Anh và Nga rạng sáng 12/6 đều giật mình vì một tiếng nổ đinh tai ở nửa cuối hiệp 2. May mắn rằng đó không phải một quả bom. Nhưng ký ức của người Paris về những thảm kịch khủng bố trong 1 năm rưỡi qua dường như chưa nguôi ngoai…
Tôi đến đại lộ Voltaire vào thời điểm giữa trưa ngày thứ Bảy. Đó là con đường tuyệt đẹp, với khoảng không gian xanh công viên rất to chạy ở giữa 2 làn đường. Nó mang đến cảm giác yên bình, thư thái, dễ chịu cho bất kỳ ai lần đầu ghé thăm.
Thật khó tin nếu biết rằng gần tròn một năm trước, ngày 13/11/2015, thảm kịch tấn công khủng bố đẫm máu đã giết chết 89 người ở đây, chính xác là tại Bataclan, ngôi nhà hát - café mang kiến trúc rất đặc biệt.
Bataclan nổi bật với phần nóc mang kiến trúc Trung Hoa, với màu đỏ. Nhưng sau thảm kịch nhuộm đỏ máu của hàng chục người vô tội khi khủng bố xả súng tại đây, giờ thì Bataclan giống một ký ức kinh khủng mà người Paris muốn khép lại. Những tấm tôn được dựng ở lề đường phía trước và che khuất mặt tiền tòa nhà. Phía bên hông tòa nhà cũng có một lớp lưới quây kín. Nhưng dường như thế là chưa đủ để dấu bớt vết sẹo trong tâm trí.
Vẫn có những cặp mắt tò mò nhìn vào phía trong Bataclan qua những khe hở nhỏ xíu. Một nhóm du khách đừng lại khá lâu, quan sát rồi bàn tán. Và kể cả những người Paris khi rảo bước qua địa chỉ số 50 Voltaire thì một vài trong số họ cũng nán bước lại ngước lên nhìn.
Tất cả chưa thể quên hết.
Nếu Bataclan trong buổi tối ngày 13/11 năm ngoái chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Pháp thì cách đó không xa, một địa chỉ khác cũng từng khiến nước Pháp một phen rúng động vì bạo lực khủng bố.
Chưa ai quên tấn thảm kịch đã xảy ở Tòa soạn tờ Charlie Hebdo, một tờ báo chuyên về biếm họa và qua những ngòi bút vẽ của phóng viên, họa sỹ tại đây, từ Chúa đến người thường đều có thể trở thành nhân vật châm biếm.
Charlie Hebdo nằm ở số 10 đường Nicolas Appert. Đó là một nơi còn yên bình hơn bởi xung quanh là những con phố nhỏ, với những trường học cho trẻ nhỏ. Chỉ mất chừng 15 phút đi bộ từ Bataclan đến Charlie Hebdo. Nhưng đó là quãng đường dài lê thê nếu nghĩ về khoảng thời gian kinh khủng mà nước Pháp nói chung và Paris nói riêng phải trải qua sau những màn khủng bố man rợ.
12 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng điên loạn tại tòa soạn Charlie Hebdo vào ngày 7/1/2015, trong đó có cả người đứng đầu tờ báo. Giờ thì 12 cái tên được khắc vào một tấm biển mạ vàng treo cao ở phía bên phải cửa dẫn vào tòa nhà số 10.
Một số gương mặt được vẽ ở phía cuối tòa nhà, với dòng chữ nổi tiếng: “Je suis Charlie”! (Tôi là Charlie), từng một thời là tuyên ngôn của nước Pháp trước bọn khủng bố cũng như là tin nhắn mà toàn thế giới muốn gửi gắm kèm sự sẻ chia mất mát tới quốc gia này.
Những cái chết ấy, đó không phải bức tranh biếm họa mà nước Pháp muốn đón nhận một lần nữa.
Tuy nhiên, khi mà trái bóng EURO đã, đang và sẽ lăn trên 10 sân cỏ nước Pháp trong suốt 1 tháng tới, người Pháp hiểu rõ, họ phải chuẩn bị từ tâm lý đến hành động để đương đầu với bất kỳ mối nguy tấn công khủng bố tiềm tàng nào.
Một tuần trước khi giải đấu diễn ra, tổng thống Pháp Francois Hollande một lần nữa thừa nhận “nguy cơ khủng bố”. Nhưng ông cũng kêu gọi sự can đảm, mạnh mẽ, ý chí quyết tâm của người dân Pháp để EURO sẽ thành công tốt đẹp.
Tất nhiên, chẳng có lời nói suông nào có thể trở thành lá chắn tốt nhất ngăn những vụ tấn công khủng bố nhắm vào EURO, các CĐV vô tội và dân thường. 90.000 nhân viên an ninh, lính, cảnh sát đã được huy động bảo vệ sự an toàn của giải đấu. Và ít nhất, đến thời điểm này, sau lễ khai mạc 2 ngày, mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp.
NHM đang được tận hưởng bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt giữa mùa đẹp nhất trong năm ở châu Âu. Những tiếng hò reo ăn mừng, cụng ly bia và giai điệu nhạc sôi động vẫn vang lên ở Fanzone chính của giải đấu ngay dưới chân tháp Eiffel.
Họ không cần nhiều hơn thế…