"Thể Công mới" sẽ như thế nào?

Nhà báo Hữu Bình
thứ tư 3-10-2018 14:39:27 +07:00 0 bình luận
Khi CLB Viettel giành suất lên V.League, thì trên công câu chuyện "Thể Công trở lại" ở V.League 2019 bắt đầu nóng lên, dù mùa giải 2018 còn chưa khép lại...

Đối với nhiều người, cái tên Thể Công vốn đã quá đỗi thân quen, quá đỗi đặc biệt, nên kể từ khi nó được Bộ Quốc phòng "cất" đi sau khi quyết định chuyển giao suất V.League cho Thanh Hóa vào năm 2009 thì nó đã chính thức trở thành một "ng đài" trong lòng người hâm mộ. Và bây giờ, khi CLB Viettel giành suất lên V.League, thì câu chuyện "Thể Công trở lại" ở V.League 2019 bắt đầu nóng lên, dù mùa giải 2018 còn chưa khép lại...

1. Chính thức ra đời vào ngày 23/9/1954, tức còn trước khi Hà Nội được chính thức giải phóng khỏi chế độ thực dân Pháp, Thể Công từng được ví von là một "binh chủng đặc biệt" (hoạt động trên "mặt trận văn hóa xã hội") của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ đã 13 lần vô địch các giải vô địch miền Bắc cho tới trước khi giải bóng đá VĐQG lần đầu tiên được tổ chức (vào năm 1980).

Kể từ khi giải bóng đá VĐQG ra đời, với lực lượng chủ yếu từ chính "lò đào tạo" của mình, Thể Công đã 5 lần vô địch các mùa giải 1981-1982, 1982-1983, 1987, 1990 và 1998 và 3 lần Á quân. Thể Công còn là nòng cốt của đội tuyển QĐND Việt Nam tham dự các giải SKDA (giải bóng đá quân đội các nước XHCN) 1984 và 1989. Không những thế, các tuyến trẻ của họ cũng nhiều lần giành chức vô địch toàn quốc.

 Thể Công mới sẽ như thế nào? - Ảnh 1.

CLB Viettel chính thức vô địch hạng Nhất 2018 sớm 1 vòng đấu.

Nhắc tới Thể Công là nói tới một đội bóng rất đặc biệt, với những chiến sĩ đá bóng luôn vào sân với tinh thần quả cảm, thi đấu hừng hực lửa nhưng vẫn đậm chất kỹ thuật; là nói tới tinh thần kỷ luật thép, được rèn luyện trong môi trường quân đội; là nói tới sự tiếp nối về truyền thống, tới những tên tuổi lớn của bóng đá VN qua các thời kỳ như Trương Tấn Bửu, Nguyễn Thông (giai đoạn mới thành lập), Sỹ Hiển, Thái Nguyên Bền, Ba Đẻn (Thế Anh), Cao Cường, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Trọng Giáp, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Cường... 

Video kết quả Hạng Nhất Quốc gia 2018: Viettel - Bình Phước

2. Kể từ khi Giải bóng đá VĐQG tiến hành chuyên nghiệp hóa, thì Thể Công lại thuộc nhóm chậm chuyển đổi nhất (từ cơ chế chuyển nhượng, tới ngoại binh, chế độ đãi ngộ), dẫn tới sự thua sút rõ rệt so với các đối thủ mạnh. Những thay đổi sau đó cũng chỉ mang tính nửa vời, khiến Thể Công như "lạc loài" giữa xu thế phát triển mới.

Đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, Thể Công nhận tấm vé xuống hạng. Rồi tròn 5 năm sau thì suất V.League được "sang tên" cho Thanh Hóa (đội trẻ sau đó 2 năm cũng được chuyển giao cho Hà Nội)...

Một lứa cầu thủ trẻ hoàn toàn mới, dưới sự đầu tư của Trung tâm thể thao Viettel đã được xây dựng lại, kiên trì thi đấu từ hạng Nhì tới hạng Nhất suốt 6 mùa qua. 

Ít người biết rằng phải tới trước khi bước vào mùa giải 2018, họ mới được lãnh đạo "bật đèn xanh": Cố gắng thăng hạng V.League! Thầy trò HLV Nguyễn Hải Biên đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong bối cảnh lực lượng chưa phải dồi dào để giành được tấm vé thăng hạng, kèm theo đó là thông tin "có thể sẽ được mang tên Thể Công để thi đấu ở V.League mùa sau".

Màn ăn mừng của Viettel trong ngày đưa cái tên Thể Công góp mặt tại V.League 2019

3. Trên thực tế, lên hạng đã khó, giữ được hạng lại càng khó hơn.

"Hành trang" trước mắt của họ là một lứa cầu thủ trẻ giàu tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật cao và khao khát vươn lên. Nhưng chừng đó thôi đương nhiên chưa đủ.

Sự thật là, đang tồn tại một khoảng cách lớn về đẳng cấp và trình độ giữa 2 sân chơi V.League và hạng Nhất. "Thể Công mới", nếu đúng là Viettel sẽ được Bộ Quốc phòng cho phép, chắc chắn sẽ phải thay đổi rất nhiều mới mong đứng vững trước muôn vàn áp lực!

Chỉ riêng việc mang cái tên Thể Công, tức là gánh trên vai nghĩa vụ phải xứng đáng với cái tên ấy thôi cũng đã là một áp lực cực lớn. Không có gì để nghi ngờ vào tiềm lực kinh tế của Viettel, nhưng họ cần sự ủng hộ tuyệt đối từ Bộ Quốc phòng về cơ chế nhân sự cũng như đãi ngộ phù hợp. 

Rất dễ nhận ra, "Thể Công mới" cần bổ sung thêm tối thiểu 3-4 cầu thủ dày dạn kinh nghiệm (và cả trình độ nữa) hơn so với lứa cầu thủ trẻ (đa số là U-23) họ đang sở hữu (mới có một số cầu thủ khá – tốt như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, Trần Ngọc Sơn, Dương Văn Hào và Nguyễn Trọng Đại). Bên cạnh đó, họ cần thêm những ngoại binh giỏi, đặc biệt ở vị trí tiền đạo.

Ghi bàn vào lưới Bình Phước, Bùi Tiến Dũng tháo băng đội trưởng mừng ngày Viettel vô địch

HLV trưởng Nguyễn Hải Biên đã chủ động đề nghị tìm kiếm HLV giỏi và kinh nghiệm cho đội ở mùa sau, bản thân ông sẵn sàng lùi lại đảm trách vai trò trợ lý. Ông cũng đề nghị tìm HLV chuyên trách thể lực – vị trí vô cùng quan trọng trong các BHL bóng đá hiện tại. Rõ ràng, những con người của CLB Viettel hiện tại đang hiểu rất rõ thực trạng và chủ động với các giải pháp. Dứt khoát cần có một kế hoạch dài hơi và bài bản, để "Thể Công mới" không chỉ trụ hạng thành công tại V.League mà còn tìm lại vị thế của các thế hệ cha anh ngày nào.

Những giá trị truyền thống của Thể Công ngày nào vẫn còn nguyên giá trị, góp phần làm nên cái "hồn" của một "Thể Công mới". Nhưng để xây dựng nên một "Thể Công phiên bản 4.0" và xóa đi những băn khoăn trước mắt thì Bộ Quốc Phòng và Viettel còn vô số việc cần làm!

Vào lúc 15h00 chiều 5/10 CLB Viettel sẽ chính thức nâng cao chiếc Cup vô địch giải hạng Nhất QG - Cúp An Cường 2018 tại sân Hàng Đẫy sau khi kết thúc trận đấu "thủ tục" với Hà Nội B. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm