Năm 2017, cô gái 19 tuổi Nguyễn Thị Ngoan lập nên kì tích khi trở thành vận động viên đầu tiên đạt huy chương Vàng nội dung đối kháng tại giải Karate K-1 Thế giới (là một trong những giải đấu chính giúp tích điểm cho Olympic).
Tới năm 2018, Nguyễn Thị Ngoan tiếp tục giành huy chương Đồng tại giải đấu này. Việc có được thành công ở những giải đấu lớn liên tiếp giúp cô gái đến từ tuyển Karate Quân Đội sớm trở thành cái tên được đầu tư trọng điểm cho các mục tiêu kế tiếp như SEA Games hay Olympic.
Những định hướng cho Ngoan vẫn nằm trong kế hoạch của đội tuyển Quốc Gia cho tới đầu năm 2019. Thế nhưng không lâu sau đó, “cô gái Vàng” bất ngờ có những biểu hiện khác lạ trong sinh hoạt, tập luyện cùng dấu hiệu của những trạng thái tâm lý bất ổn.
Theo các bác sĩ chuyên ngành qua nhiều lần kiểm tra kỹ lưỡng, Ngoan bị rối loạn tâm lý, với những diễn biến phức tạp và khó lường, mà nếu càng kéo dài càng nguy hiểm. Các chuyên gia đề xuất cần cho Ngoan nghỉ tập luyện thi đấu đỉnh cao ngay, ưu tiên tối đa cho việc điều trị, tháng 6 năm 2019, cô chính thức tạm rút tên khỏi Đội tuyển Quốc gia để điều trị.
Lí giải cho sự vắng mặt của Nguyễn Thị Ngoan, trưởng bộ môn Karate (Tổng cục TDTTVN) ông Vũ Sơn Hà cho biết nữ võ sĩ sinh năm 1998 gặp phải các vấn đề tâm lý khiến cô không thể ở lại đội tuyển.
“Từ đầu 2019, Ngoan đã biểu hiện các vấn đề về tâm lý. Ban đầu chỉ là một số chuyện cá nhân hay việc vài giải đấu không đạt huy chương như mong muốn. Nhưng càng về sau, trong quá trình tập luyện em được phát hiện càng bị stress, trầm cảm, cần phải tĩnh dưỡng và điều trị.” – ông Vũ Sơn Hà cho biết.
Theo sự nhìn nhận từ chính giới chuyên môn, sự rối loạn tâm lý mà Ngoan gặp phải là nguyên nhân đến từ cả một quá trình dài tuyển thủ sinh năm 1998 đã luôn phải gồng mình gắng sức, trong môi trường khắc nghiệt cùng sức ép quá lớn.
Trong khoảng thời gian gần 3 năm, đặc biệt sau khi đoạt tấm HCV đối kháng lịch sử tại giải thế giới 2017, võ sĩ trọng điểm này đã trải qua các đợt tập huấn thi đấu liên tiếp, với cả chục giải quốc tế mỗi năm. Trong đó, nhiều lần, Ngoan đã xuất ngoại tranh tài trong cảnh đơn độc, khi là VĐV duy nhất được cử vì lý do kinh phí hay tiêu chuẩn chuyên môn. Việc Ngoan không giành được huy chương, chỉ đứng hạng Tư tại Asiad 2018 có thể là một cú “sốc” với cô.
Mãi cho tới tận cuối năm 2020, người ta mới lại nhìn thấy Nguyễn Thị Ngoan quay trở lại cùng các đồng đội ở giải Cúp các Câu lạc bộ Toàn quốc với nụ cười và sự tự tin. Khi nhắc lại quãng thời gian gần 2 năm đối mặt với khủng hoảng, cô cho biết bản thân đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều.
“Tôi đã nghĩ về kỷ niệm thời học sinh, cùng bạn bè phụ giúp cha mẹ. Hay cả những ký ức thời còn giành huy chương điền kinh khi còn đi học cũng giúp tôi lấy lại niềm vui, cảm giác nhẹ nhác hơn trước.” – Ngoan chia sẻ.
“Tất cả đều là động lực để tôi có nhiều năng lượng, chuẩn bị chinh phục chiếc HCV SEA Games 31 mà tôi đã bỏ lỡ ở kì đại hội Philippines lần trước.”
Trường hợp của Nguyễn Thị Ngoan, có thể nói là một bài học điển hình cho các vấn đề tâm lý mà ban huấn luyện đội tuyển Karate nói riêng, cũng như các môn thể thao khác nói chung cần chuẩn bị trong tương lai.
Bởi trong bất kì thời điểm nào, song hành cùng thành công, kì tích các đấu trường lớn, luôn là những áp lực vô hình với các vận động viên. Đặc biệt là những vận động viên trẻ, khi các em phải chuẩn bị bản lĩnh tinh thần để đối mặt với việc thi đấu, tập luyện đỉnh cao liên tục trong thời gian tâm sinh lý đang phát triển.
VIDEO Nguyễn Thị Ngoan chiến thắng căn bệnh trầm cảm, trở lại Đội tuyển Quốc gia: