Tư vấn đặc biệt của bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Hiền về cách phòng chữa bong gân và căng cơ khi tập luyện ở nhà

Sỹ Minh
thứ ba 21-4-2020 8:10:00 +07:00 0 bình luận
Bác sĩ thể thao hàng đầu Việt Nam, Trưởng phòng Y sinh Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội Nguyễn Trọng Hiền có những tư vấn đặc biệt về hai loại chấn thương phổ biến nhất khi tập luyện ở nhà, là bong gân và căng cơ.

Khi tập luyện ở nhà, mọi người cũng phải đối mặt với nguy cơ đau nhức, thậm chí chấn thương. Nhất là đối với những người mới tập, và không được hướng dẫn đúng cách. Trong đó, hai loại phổ biến nhất là bong gân và căng cơ.

Triệu chứng dễ thấy bị bong gân là di chuyển khó khăn, đau, sưng tấy và có vết bầm tím. Triệu chứng của căng cơ là chuột rút, co thắt cơ, đau nhức cơ, cứng khớp. Cả bong gân và căng cơ, chúng ta có thể nhận biết được, ví như nghe thấy âm thanh (tiếng tách), ngay thời điểm xảy ra chấn thương, như nghe thấy âm thanh.

Bong gân thường xảy ra do người tập xoắn quá mức, có thể dẫn đến bong gân nhiều nhất ở mắt cá chân, rồi tiếp đến khớp gối, cổ tay hay bất cứ khớp nào. Trường hợp nặng có thể đứt dây chằng, gây tổn thương mô, khiến khớp không còn hoạt động bình thường được nữa. Căng cơ thường xảy ra trong quá trình tập luyện lặp đi lặp lại, hay nâng vác vật quá sức. Thậm chí, cơ còn có thể bị rách do bị co kéo quá mức.

Tư vấn đặc biệt của bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Hiền về cách phòng chữa bong gân và căng cơ khi tập luyện ở nhà
Chườm đá, quấn băng chuyên dụng là cách chữa trị đơn giản nhưng hiệu quả tại nhà khi bị bong gân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bong gân và căng cơ song có ba nguyên nhân chính là tập luyện hay mang vác với trọng lượng, độ khó, mức độ ngoài khả năng; tư thế không đúng và không khởi động kỹ.

Có thề chữa trị bong gân và căng cơ theo các phương thức đơn giản sau, trong 24-48 giờ:

-Lập tức nghỉ tập, cố gắng tránh việc vận động các khu vực đang bị chấn thương.

-Chườm lạnh cho chỗ viêm và sưng. Quấn đá vào một chiếc khăn mỏng, đặt lên chỗ chấn thương khoảng 20 phút, lặp lại nhiều lần trong 48 tiếng đầu tiên.

- Băng bó giảm sưng, quấn phần bị thương bằng băng quấn chuyên dụng.

Tư vấn đặc biệt của bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Hiền về cách phòng chữa bong gân và căng cơ khi tập luyện ở nhà
Nghỉ tập khi có dấu hiệu bị đau cũng là cách chữa trị hiệu quả.

Một số ca nặng có thể cần dùng tới thuốc giảm đau và giảm viêm. Cao hơn, với các chấn thương nặng sẽ cần phải băng bó và điều trị vật lý trị liệu theo phác đồ của bác sĩ.

Thường thì các bong gân và căng cơ nhẹ sẽ phục hồi sau 2-3 ngày. Nặng hơn thì 1 tuần. Nếu hai tuần vẫn chưa khỏi thì phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Để phòng ngừa bong gân và căng cơ khi tập luyện ở nhà, mọi người cần chú ý tới một số điểm: khởi động kỹ và làm nóng trước mỗi buổi tập; tập luyện đều đặn vừa phải phù hợp với khả năng, sự dèo dai của bản thân; nghỉ ngơi hợp lý giữa các bài tập, không quá lâu cũng không quá ngắn; tập luyện với dụng cụ hay phụ kiện tập luyện đảm bảo chất lượng và quy cách.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm