Theo một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc trầm cảm cách đây một thập kỷ đã đạt đến con số đáng báo động: khoảng 300 triệu người, đạt hơn 4% dân số thế giới. Tính đến hiện tại, tỷ lệ này càng tăng, nhất là vào thời điểm thế giới vừa trải qua 2 năm đầy biến động tiêu cực với dịch COVID-19.
Trầm cảm là gì và những triệu chứng nhận biết
Theo định nghĩa được các nhà khoa học đúc kết, trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào đó tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ hành vi tác phong.
Trong số các trường hợp tự sát, người ta thống kê được có đến hơn 50% tỷ lệ do bệnh trầm cảm. Các đối tượng mắc trầm cảm tập trung ở những nhóm người: hôn nhân tan vỡ, kinh doanh thất bại, thất nghiệp…
Các nhà nghiên cứu cũng thống kê được rằng tỷ lệ nữ giới mắc trầm cảm cao gấp đôi so với nam giới. Độ tuổi mắc trầm cảm cũng rất đa dạng, nhưng thường tập trung vào nhóm người trưởng thành, có năng lực nhân biết và lao động chính trong xã hội. Tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm ngày càng tăng nhưng số người được phát hiện kịp thời và chữa trị thành công vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng chưa đến 30%.
Có nhiều dấu hiệu nhận biết một người mắc chứng trầm cảm, nhưng thường tập trung vào 9 dấu hiệu đặc trưng. Người có 5 trong số 9 dấu hiện sau nên cân nhắc đi khám để có hướng điều trị trầm cảm.
1. Trầm uất gần như cả ngày.
2. Giảm hoặc không có hứng thú trong tất cả hoặc đa số hoạt động.
3. Giảm hoặc tăng cân đáng kể ngoài ý muốn.
4. Mất ngủ kéo dài hoặc ngủ nhiều quá mức.
5. Bị kích động hoặc chậm chạp, lờ đờ rõ ràng, khiến người khác nhận ra sự khác biệt so với thường ngày.
6. Mệt mỏi, chán chường hoặc mất năng lượng kéo dài.
7. Cảm giác tự ti, vô dụng và mặc cảm tiêu cực về bản thân.
8. Giảm hoặc mất khả năng tập trung, suy nghĩ hoặc không quyết định được bất kỳ việc gì.
9. Liên tục nghĩ đến cái chết, sự giải thoát tiêu cực khác.
Trầm cảm thể thao
Riêng trong lĩnh vực thể thao, trầm cảm có những mức độ khác nhau, với nguyên nhân và các biểu hiện cũng đặc trưng hơn.
Các nghiên cứu khoa học kéo dài nhiều thập kỷ qua đã tìm ra 3 dạng của trầm cảm trong thể thao:
a. Trầm cảm mang tính cạnh tranh
Đây là dạng căng thẳng mà các VĐV hoặc những người liên quan thường gặp trong quá trình tập luyện và đặc biệt tăng dần trước, trong và sau các giải đấu.
Biểu hiện của sự căng thẳng mang tính cạnh tranh là những lo lắng, suy nghĩ tiêu cực về thành tích thi đấu, áp lực phải vượt qua bản thân, đối thủ, phải có thành tích… dẫn đến những hệ lụy khôn lường nếu tình trạng kéo dài.
Những nguyên nhân khiến VĐV mắc dạng trầm cảm này:
- Chấn thương.
- Tái phát chấn thương.
- Áp lực trước ngày thi đấu.
- Áp lực phải đạt thành tích cao trong thi đấu.
- Đối thủ.
- Địa điểm thi đấu
- Các vấn đề về kỹ năng, kỹ thuật thi đấu.
b. Trầm cảm mang tính tổ chức
Đây là những tác động từ bên ngoài khiến người bệnh tăng dần mức độ căng thẳng, trầm cảm. Áp lực về kế hoạch và hiệu quả tập luyện từ HLV, ban lãnh đạo khiến các VĐV luôn trong trạng thái lo sợ, căng thẳng, dẫn đến trầm uất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, hành vi và cuối cùng là kết quả thi đấu.
Loại trầm cảm này bủa vây các VĐV từ nhiều phía, không chỉ là những lời quát mắng từ HLV, những lời chê bai từ đồng nghiệp, đối thủ… mà còn áp lực khủng khiếp về kỳ vọng của những người xung quanh, đặc biệt là khán giả, người hâm mộ.
Nguyên nhân gây trầm cảm mang tính tổ chức:
- Sự cố trong tập luyện (thay đổi kế hoạch, nội dung tập luyện hoặc cơ sở vật chất tập luyện)
- Va chạm với HLV, đồng đội.
- Bất mãn về sự thiếu hỗ trợ từ nhiều phía.
- Bất tiện trong di chuyển, lưu trú ở những kỳ tập huấn, thi đấu.
c. Trầm cảm mang tính cá nhân
Đây là loại trầm cảm xuất phát và tác động trực tiếp lên chính người bệnh. Loại trầm cảm này rất dễ dẫn đến bỏ cuộc, thậm chí tự sát nếu không được phát hiện, chữa trị hay chia sẻ sớm.
Những nguyên nhân thường thấy dẫn đến trầm cảm mang tính cá nhân gồm:
- Bất ổn trong cuộc sống (mất ngủ, sử dụng chất cồn).
- Gặp vấn đề về tài chính.
- Gặp các biến cố lớn trong đời (thất tình, hôn nhân đổ vỡ, người yêu quý đột ngột qua đời).
- Bất mãn về chế độ đãi ngộ, bị thất hứa hoặc bị lừa dối (nợ lương, không được hỗ trợ chữa trị chấn thương, bị đuổi khỏi đội không rõ nguyên nhân).
Những con số đáng suy ngẫm
Theo thống kê được Hội tâm thần học Việt Nam công bố gần đây thì mỗi năm ở Việt Nam có đến khoảng 40.000 người tự sát vì trầm cảm. Riêng trong lĩnh vực thể thao, con số này chưa được thống kê chính thức, nhưng cũng là vấn đề rất cần được quan tâm.
Các khảo sát cho thấy những môn thể thao mang tính chất đối kháng lại có tỷ lệ VĐV mắc chứng trầm cảm thấp hơn so với những môn cá nhân.
Một khảo sát trên 2000 VĐV ở nhiều môn thể thao cho ra kết quả: khoảng 20% số VĐV này gặp căng thẳng cao độ sau khi thi đấu, nhất là khi có kết quả thua hoặc thất bại nặng nề. 5-10% số VĐV này bị căng thẳng cao độ kéo dài dẫn đến trầm cảm.
Những môn thể thao có tỷ lệ VĐV mắc chứng căng thẳng cao độ rồi dẫn đến trầm cảm là những môn đòi hỏi sự khổ luyện từ nhỏ. Thể dục dụng cụ xếp hàng đầu trong số này về mức độ khổ luyện.
Những bé trai, bé gái được bắt đầu huấn luyện từ khi mới chỉ 5 tuổi và kéo dài quá trình khổ luyện đến tận 14-15 tuổi, trước khi đủ trình độ để thi đấu nhiều cấp độ.
Những chương trình đào tạo, tập luyện đến mức khắc khổ không chỉ tác động lên cơ thể mà còn gây ra những ám ảnh suốt đời về tâm lý. Đau đớn thể xác, áp lực phải vượt qua các vòng tuyển chọn và cả ước mơ, ảo tưởng về sự thành công trong tương lai khiến nhiều VĐV nhí “chết yểu sự nghiệp” từ rất sớm.
Một trong những ngôi sao thể dục dụng cụ nổi tiếng nhất thế giới liên quan đến sức khỏe tâm lý là “thần đồng” Simone Biles (Mỹ). Biles dù mới 24 tuổi những đã giành tới 32 huy chương các loại ở đấu trường Olympic và thế giới. Cô là một trong những VĐV thể dục dụng cụ thành công nhất trong lịch sử thể thao Mỹ và thế giới.
Tuy nhiên, cô gái này đã trải qua nhiều biến cố trong quá trình tập luyện và thi đấu: từ việc bị bác sĩ đội tuyển quấy rối tình dục, chấn thương dai dẳng và đặc biệt là áp lực được kỳ vọng quá lớn từ người hâm mộ. Biles mới đây đã bỏ thi đấu nhiều nội dung sở trường ở Olympic Tokyo 2020 vì vấn đề sức khỏe tâm lý, làm dấy lên những lo ngại về vấn đề tế nhị này trong giới thế thao.
Ngoài ra, những ngôi sao lớn khác như “kình ngư” Michael Phelps, VĐV bơi xuất sắc nhất mọi thời đại với 28 huy chương Olympic, giữ kỷ lục giành 23 HCV Thế vận hội, cũng đã từng mắc chứng trầm cảm và nghĩ đến cái chết; hay Naomi Osaka, tay vợt 4 lần vô địch Grand Slam, người châu Á và Nhật Bản đầu tiên giữ vị trí số 1 quần vợt nữ thế giới, cũng gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm lý thời gian qua.
Ở Việt Nam, không ít VĐV gặp vấn đề về tâm lý như: Nguyễn Thị Oanh (mất ngủ, suýt từ giã sự nghiệp điền kinh vì viêm cầu thận); anh em VĐV chạy 400m Quách Công Lịch, Quách Thị Lan từng khủng hoảng tinh thần vì chấn thương kéo dài; võ sĩ karatedo đẳng cấp thế giới Nguyễn Thị Ngoan mắc trầm cảm tới 2 năm, trước khi trở lại sàn đấu…
Còn rất nhiều vấn đề, cá nhân cụ thể từng liên quan đến trầm cảm thể thao mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến ở những bài viết sau về chủ đề nhạy cảm này.