Vụ phó Vụ Thể thao Đỗ Đình Kháng: “Nhận thức và kinh phí là 2 rào cản lớn nhất”

thứ năm 26-11-2015 22:38:14 +07:00 0 bình luận
Là người gánh vác trọng trách cả mặt quản lý nhà nước lẫn tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Vụ phó Vụ Thể thao Thành tích cao 2 kiêm Trưởng bộ môn của ngành thể thao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Đỗ Đình Kháng thừa nhận cử tạ Việt Nam còn nhiều việc phải làm lại từ nền tảng để có thể trở thành một “mũi nhọn” tầm cỡ thế giới.

- Thể thao 24h: Từ góc độ của mình, ông đánh giá như thế nào sau những gương mặt và thành tích quốc tế đặc biệt của cử tạ Việt Nam sau 20 năm gây dựng, nhất là trong điều kiện gian khó, thua thiệt về nhiều mặt so với chuẩn quốc tế?

Ông Đỗ Đình Kháng: Nếu nhìn lại xuất phát điểm với chỉ đúng 2 địa phương Hà Nội và TP.HCM cùng một giải đấu đầu tiên vỏn vẹn 27 VĐV, có thể thấy cử tạ đã có một bước tiến rất dài. Nhất về mặt thành tích cao, chúng ta đã có một số đô cử ở một vài nội dung đã đạt tới trình độ hàng đầu thế giới và châu lục. Tấm HCB Olympic của Hoàng Anh Tuấn, ngôi vô địch thế giới của Thạch Kim Tuấn hay mới nhất là 2 HCB, 1 HCĐ thế giới của Vương Thị Huyền là những thành quả mà chỉ cách đây 10 năm không ai dám nghĩ tới.

Điều đó chứng tỏ sự phù hợp của người Việt Nam với môn cử tạ, và quan trọng hơn là một định hướng, cách làm đúng, nhất là việc tập trung đầu tư cho những hạng cân nhỏ, cụ thể như hạng 56kg nam hay 48kg nữ.

- Ông có cho rằng tiềm năng đặc biệt của cử tạ Việt Nam đang bị lãng phí vì không được nhìn nhận, chăm lo đúng mức? Chúng ta đang ở đâu và có thể tiến tới đâu so với mặt bằng chung quốc tế?

Theo tôi, cử tạ Việt Nam có một số nội dung và VĐV thực sự có khả năng gánh vác và hoàn thành sứ mệnh tranh chấp thành tích ở các đấu trường châu lục và thế giới. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ngoại trừ hạng 56kg nam có thể tương đối yên tâm thì lực lượng chung cũng như ở từng hạng cân còn quá mỏng so với mặt bằng chung quốc tế. Ngành thể thao cũng đã luôn dành sự quan tâm cao nhất có thể cho cử tạ, rõ nhất với số tuyển thủ trọng điểm, với một cách làm có thể nói là rất hợp lý và hiệu quả.

Tuy nhiên, để trở thành “mũi nhọn” tầm cỡ thế giới, hay đơn giản là phát huy tối đa tiềm năng của mình, chúng tôi còn có rất nhiều việc phải làm lại một cách bài bản, ngay từ nền tảng. Từ cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo trẻ, các giải đấu, đội ngũ HLV cho đến việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại… Nói chung, cử tạ Việt Nam cần phải có một cuộc “đột phá” về nhiều mặt, mà trước hết là nhận thức và kinh phí.

- Có nghĩa là, nhận thức và kinh phí đang là 2 rào cản lớn nhất của cử tạ Việt Nam?

Đây đúng là 2 rào cản lớn nhất mà chúng tôi phải quyết tâm và nỗ lực giải quyết.

Về nhận thức, nói thật, dù là môn Olympic truyền thống đồng thời cũng gây tiếng vang với một số gương mặt, chiến tích quốc tế song chỉ mới tạo ra hiệu ứng với một vài địa phương.

Về kính phí, nếu chỉ trông vào nguồn bao cấp của nhà nước hay sự chủ động của một vài địa phương, cử tạ Việt Nam vẫn khó có thể phát triển dài hơi và bài bản được.

- Liệu sự ra đời của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp là Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam sẽ mang lại những hy vọng gì cho cuộc đột phá ấy, thưa ông?

Liên đoàn Cử tạ -Thể hình Việt Nam đã được thành lập vào tháng 9 vừa qua. Tôi nghĩ rằng, Liên đoàn chắc chắn sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc thúc đẩy cử tạ Việt Nam, trước hết về phong trào, quan hệ quốc tế hay vận động tài trợ.

Nhiều kế hoạch đang được Liên đoàn tích cực triển khai, với mục tiêu sớm có nguồn kinh phí và sự tự chủ để cùng nhà nước chăm lo tốt nhất cho môn cử tạ. Việc hợp tác với Ủy ban Olympic Hungary, Liên đoàn Cử tạ Hungary thông qua Hội doanh nhân Việt Nam tại đây trong chuyến tập huấn 3 tháng của ĐTQG và nguồn thực phẩm thuốc chuyên dụng được phía bạn hỗ trợ tối đa, có thể coi như một thành quả đầu tiên.

- Xin cảm ơn ông!

“Hiện tại mới chỉ có 18 địa phương đầu tư môn cử tạ. Trong đó, đa số đều chỉ dừng ở mức duy trì với sự thiếu thốn, bất cập về nhiều mặt. Trong tư duy của các nhà quản lý ở không ít nơi, cử tạ là một môn tốn kém và khó có thành tích, lại đòi hỏi quỹ thời gian dài”.

“Kinh phí mỗi năm cho cả môn chỉ vài tỷ đồng, ngang với mức nhiều nước dành cho 1 đô cử hàng đầu của họ thì quả thật cử tạ Việt Nam chưa thể nghĩ đến việc làm được điều gì lớn lao. Mô hình về một “lò” cử tạ ở mức độ nào đó đang được chúng tôi cố gắng áp dụng tại TP.HCM, nơi HLV Huỳnh Hữu Chí đang dẫn dắt 3 đô cử nam hay nhất: Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn và Nguyễn Trần Anh Tuấn”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm