Tình huống cựu tiền đạo Chelsea, Demba Ba vừa bị gãy chân giờ không hiếm gặp trong môi trường bóng đá hiện đại. Vậy thời điểm nào cầu thủ dễ "dính hạn" nhất?
Một thống kê có lẽ khiến nhiều người thấy sốc, đó là rủi ro dính chấn thương của một cầu thủ trong lúc thi đấu cao gấp 12 lần so với lúc anh ta tập luyện.
Phát hiện trên được rút ra từ nghiên cứu dịch tễ học trên quy mô rộng được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Jaume I (Valencia), Đại học Bách khoa Madrid và Đại học Exeter (Vương quốc Anh), khi phân tích chấn thương của cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Tây Ban Nha.
Trong nghiên cứu khoa học này, lần đầu tiên ở Tây Ban Nha xuất hiện một hệ thống ghi nhận tất cả các ca chấn thương trong suốt một mùa giải của 728 cầu thủ đến từ 16 câu lạc bộ hạng Nhất và 11 câu lạc bộ hạng Hai.
“Chúng tôi đã ghi nhận 1.293 ca chấn thương ở giải hạng nhất và 891 ca chấn thương ở giải hạng hai”, ông Diego Moliner, người đứng đầu của nhóm nghiên cứu LIFE thuộc trường Đại học Jaume I chia sẻ, “Một trong những kết luận được rút ra sau một quá trình phân tích kỹ lưỡng là nguy cơ xảy ra chấn thương trong lúc thi đấu cao hơn nhiều lúc tập luyện”.
Cụ thể, tỷ lệ chấn thương chung của cả hai giải đấu là 5,6 ca chấn thương trong 1.000 giờ, hay nói cách khác là cứ 179 giờ tập luyện và thi đấu thì sẽ xảy ra một ca chấn thương của 1/728 cầu thủ.
Quan trọng hơn nữa là số lượng các ca chấn thương ở hai giải trên trong 1.000 giờ thi đấu chính thức lên đến 41,7 ca so với 3,6 ca chấn thương trong lúc tập luyện với cùng khoảng thời gian như trên. Điều này có nghĩa rằng nguy cơ xảy ra chấn thương trong thời điểm thi đấu cao gấp 12 lần so với thời điểm tập luyện.
Trong khi đó, một thống kê khác cũng chỉ ra rằng nguy cơ gặp chấn thương trong các tình huống rê dắt bóng là 10%. 8,4% bị thương trong các tình huống đánh đầu, 14% trong những tình huống phòng ngự, 8% khi mất bóng và tỷ lệ chấn thương cao nhất lại xảy ra khi các cầu thủ chuyền bóng phối hợp với nhau.
Mặt khác, thời tiết cũng gây ra những tác động nhất định đến nguy cơ chấn thương của các cầu thủ. Ví như tỷ lệ chấn thương mắt cá chân và chấn động trong các trận đấu ở nhiệt độ 10-20 độ C cao gấp 2 lần so với các trận đấu từ 21 độ C trở lên. Điều này được giải thích rằng thời tiết lạnh khiến các cầu thủ có xu hướng ... xáp lại gần nhau hơn. Chính vì thế khả năng gây ra chấn thương cũng tăng lên dễ hiểu.
Chưa kể, ảnh hưởng của chấn thương trong thời gian thi đấu sẽ tăng dần lên trong suốt mùa giải. Bởi vậy, các cầu thủ mới trở lại sau chấn thương sẽ phải tập luyện với đội trẻ nhằm lấy lại cảm giác bóng và nhịp độ thi đấu quen thuộc trước khi bước vào các trận đấu chính thức. Nếu vội vàng ra sân khi chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, khả năng tái phát là rất lớn.
Bên cạnh đó, nếu xét theo cả quá trình trong mùa giải thì tỷ lệ chấn thương ở các trận đấu giao hữu trước mùa giải cao nhất và giảm dần cùng với vòng quay của mùa giải. Điều này cũng giải thích tại sao hầu hết các đội bóng thường rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự ở giữa mùa giải nhiều hơn là cuối mùa giải.
Arsenal là một ví dụ. Các cầu thủ của họ gặp đến 11 ca chấn thương trong 2 tháng cuối năm 2015 so với chỉ 5 ca chấn thương trong 2 tháng cuối cùng của mùa giải năm ngoái.
Đáng nói ở chỗ, tỷ lệ cầu thủ chấn thương cao chính là một trong những nguyên nhân khiến "Pháo thủ" hụt hơi so với các đối thủ khác trong cuộc đua vô địch Premier League. Ngược lại, Leicester City có thể đăng quang chức vô địch nhờ duy trì được đội hình mạnh nhất trong hầu hết các trận đấu của mùa giải. Tính ra, đội quân của HLV Claudio Ranieri không có quá 20 ca chấn thương trong mùa giải năm ngoái.