Đội bóng thành London quyết định "phủ xanh" các sân tập ở trung tâm huấn luyện Colney bằng mặt cỏ AirFibr - loại cỏ được quảng cáo có thể giảm 20-40% nguy cơ chấn thương cho cầu thủ.
Thực tế là ở chiến dịch 2014/15, Arsenal có tới 70 ca chấn thương tại Premier League và các "thương binh" ngồi ngoài tới 2.000 ngày. Ở mùa giải năm ngoái "Pháo thủ" chỉ còn 44 ca chấn thương nhưng số ngày CLB phải "trả lương không công" cho cầu thủ vẫn rất cao, lên tới 1.504 ngày.
Đương nhiên là có nhiều nguyên nhân dẫn tới chấn thương, nhưng một tác nhân quan trọng không thể phủ nhận đó chính là chất lượng mặt sân cỏ cả ở trung tâm huấn luyện lẫn tại sân đấu chính.
Sau 2 năm thử nghiệm ở khu vực 16m50, hồi tháng 4 vừa qua Arsenal quyết định sẽ phủ mặt cỏ AirFibr cho toàn bộ sân tập của đội bóng.
Công ty Natural Grass là đơn vị cung cấp loại cỏ AirFibr (hiểu nôm na là: sợi không khí), có trụ sở tại Paris và rất nổi tiếng tại nước Pháp - quê hương của “Giáo sư” Arsene Wenger.
Được biết, tại VCK EURO vừa qua có 4/10 SVĐ đăng cai các trận đấu đều đã sử dụng mặt cỏ AirFibr. Đó là sân Municipal của Geoffroy Guichard của Toulouse, Matmut Atlantique của Bordeaux và Parc OL của Lyon.
Và không chỉ Arsenal, cách đây vài tháng Real Madrid cũng phủ xanh 1.2 triệu m² sân tập theo công nghệ AirFibr. Và chỉ cần 5 tuần các nhà vô địch châu Âu đã có thể tập luyện thoải mái trên thảm cỏ mới êm mượt, được quảng cáo rất tốt cho việc hạn chế rủi ro dính phải các chấn thương liên quan đến mặt sân.
Mặt cỏ AirFibr được sản xuất theo công nghệ "Hybrid grass" - cỏ lai tạo. Nó là sự kết hợp giữa cỏ tự nhiên với tầng đáy bên dưới gồm sợi tổng hợp cùng những hợp chất bổ sung khác. Đây là công nghệ đã được áp dụng rộng rãi ở Mỹ cho các môn bóng chày, bóng bầu dục và bóng đá.
Cỏ của AirFibr gồm 4 lớp. Trên cùng là cỏ tự nhiên, tiếp đến là sỏi nhân tạo. Lớp thứ 3 là sợi tổng hợp và cuối cùng là cát Silic.
Sỏi nhân tạo có khả năng dẫn nhiệt thấp, nhưng thoát khí cao. Nó giúp mặt sân không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng.
Lớp thứ 3 là sợi tổng hợp. Mỗi m² ước tính có khoảng 10 triệu sợi này. Chúng có tác dụng giúp mặt sân luôn mềm mại và đàn hồi tốt sau khi chịu áp lực mạnh.
Cuối cùng, cát Silic sẽ giúp mặt sân không bao giờ bị đọng nước để rồi trở nên loang lổ thành những vũng lầy. Tình trạng này thường xảy ra ở những quốc gia mưa nhiều như Anh. Mặt khác, các loại giun gây hại cho mặt cỏ tự nhiên trên cùng cũng không thể sinh sống ở lớp cát silic.
Sở dĩ cỏ AirFibr có thể giảm chấn thương cho cầu thủ bởi nó hội tụ cùng lúc cả 3 ưu điểm sau: hấp thụ sốc, đàn hồi năng lượng và khó bị tổn hại (với những pha xoạc bóng của cầu thủ thường làm bong tróc cả mảng cỏ).
Giải thích trên trang chủ của Natural Grass, nếu mặt sân quá cứng sẽ khiến cổ chân và đầu gối của cầu thủ phải chịu nhiều lực tác động khi giậm chân. Ngược lại nếu mặt sân quá mềm sẽ khiến cơ bắp dễ mệt mỏi vì mất nhiều lực đàn hồi hơn.
Rõ ràng, mặt sân kém chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến các cầu thủ bị chấn thương. Đặc biệt, tại Premier League, nơi lịch thi đấu diễn ra trong suốt mùa Đông khi khí hậu rất khắc nghiệt và mặt sân thường trở nên khô cứng, rất dễ dẫn tới những ca chấn thương. Nhưng với công nghệ cỏ AirFibr, mối lo chấn thương của các CLB sẽ được giảm thiểu đáng kể.
Rõ ràng, nhìn vào lợi ích nhiều mặt, có mặt sân xịn, đỡ tốn tiền trả lương cho cầu thủ trong giai đoạn điều trị chấn thương và cũng tránh được cảnh mất người, xem ra, chẳng CLB nào ở châu Âu không muốn phủ xanh từ sân tập đến sân thi đấu bằng mặt cỏ AirFibr.
Video: Quy trình "phủ xanh" sân thi đấu bằng mặt cỏ AirFibr