Có khá nhiều câu chuyện liên quan đến tiền "lót tay" đã và đang diễn ra ở bóng đá Việt Nam.
Ở V.League 2018 vừa qua, có ít nhất 2 trường hợp cụ thể là CLB XSKT.Cần Thơ và Hải Phòng chậm tiền "lót tay" với cầu thủ và việc họ phải nhận lại là cầu thủ "đình công", bỏ tập và thi đấu không... hết mình.
Vậy cầu thủ có thể kiện được CLB khi cơ quan chủ quan của mình chậm tiền "lót tay" khi ký hợp đồng?
Câu 1: CLB chậm tiền lót tay với cầu thủ. Trách nhiệm của câu lạc bộ sẽ như thế nào? Cầu thủ có thể kiện được câu lạc bộ? Và nếu kiện thì kiện ở đâu?
Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (theo Quyết định 224/QĐ-BNV năm 2010).
Tiền lót tay cho cầu thủ được hiểu là một khoản tiền câu lạc bộ trả cho cầu thủ để cầu thủ ký hợp đồng với câu lạc bộ.
Hiện Luật không có quy định cụ thể về phí này vì vậy trong trường hợp câu lạc bộ chậm tiền lót tay cho cầu thủ thì tùy vào từng trường hợp sẽ có cách giải quyết sau:
Nếu trong trường hợp giao dịch giữa hai bên là thỏa thuận bằng lời nói mà cầu thủ không có căn cứ chứng minh về khoản chi phí câu lạc bộ phải trả và CLB phủ nhận thì cầu thủ sẽ gặp khó khăn trong việc khởi kiện vì không có chứng cứ chứng minh sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên.
Trường hợp hai bên có thỏa thuận hợp đồng:
Thỏa thuận ngoài hợp đồng lao động: Cầu thủ căn cứ các quy định về bồi thường HĐ trong Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015
Trong trường hợp phí lót tay là thỏa thuận giữa câu lạc bộ và cầu thủ bóng đá, căn cứ Khoản 3 Điều 77 Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung 2018) có nêu trường hợp câu lạc bộ vi phạm trong ký kết hợp đồng bị xử phạt như sau:
"3. Câu lạc bộ, đội bóng vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng với huấn luyện viên, cầu thủ sẽ bị tạm đình chỉ ký hợp đồng với bất kỳ huấn luyện viên, cầu thủ mới nào cho đến khi việc thanh toán được thực hiện đầy đủ".
Nếu tranh chấp giữa các bên không thể giải quyết được thì theo Khoản 2 Điều 200, Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13, Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Đối với tranh chấp liên quan đến bóng đá, Điểm b Khoản 1 Điều 3 trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung 2015 quy định về cơ quan tổ chức, điều hành hoạt động bóng đá chuyên nghiệp có nêu trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:
"Khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và giải quyết khiếu nại trong hoạt động bóng đá chuyên nghiệp".
Ngoài ra Căn cứ Khoản Điều 62 quy định Thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (phê duyệt kèm theo Quyết định 224/QĐ-BNV năm 2010) có nêu như sau:
"2. LĐBĐVN có quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến bóng đá trong phạm vi nội bộ bóng đá Việt Nam, ví dụ: tranh chấp giữa các bộ phận, các thành viên trong LĐBĐVN. Thẩm quyền xử lý các tranh chấp quốc tế thuộc về FIFA, ví dụ: tranh chấp giữa các bộ phận thuộc các Liên đoàn quốc gia hoặc các Liên đoàn châu lục khác nhau".
Như vậy, căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa câu lạc bộ và cầu thủ, cầu thủ có thể gửi kiện lên tòa án hoặc LĐBĐVN để giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền, lợi ích và các vấn đề liên quan đến tài chính.
Câu 2: Việc cầu thủ công khai hợp đồng ký với CLB lên mạng xã hội, truyền thông có ảnh hưởng và bị quy kết trách nhiệm như thế nào?
Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015
Điều 358 Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 định nghĩa hợp đồng như sau:
"Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự"
Trong hợp đồng, các bên có thể quy định cụ thể việc giữ bí mật thông tin có trong hợp đồng rằng: nếu công bố hợp đồng đã ký giữa các bên mà không được sự đồng ý của bên còn lại và gây ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường của bên đó thì bên vi phạm sẽ chịu các chế tài quy định trong hợp đồng.
Mặt khác, theo Điều 360 của bộ luật này có quy định: "Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác"
Đồng thời, Khoản 2 Điều 419 Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng: "2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại." Như vậy, tùy vào trường hợp, khi cầu thủ công khai hợp đồng ký với CLB lên mạng hội, truyền thông gây ảnh hưởng thì các bên sẽ căn cứ vào các nội dung cụ thể quy định trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật để quy kết trách nhiệm của bên vi phạm.