Dải băng nhiều màu, "thần dược" của VĐV!

thứ bảy 30-7-2016 10:54:33 +07:00 0 bình luận
Tại Olympic 2016, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy hình ảnh những VĐV đeo những dải băng đầy màu sắc trên mặt, vai và thậm chí là những khu vực "nhạy cảm".

Khi thưởng thức một trận đấu bóng chuyền bãi biển tại Olympic 2016, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy hình ảnh những VĐV đeo những dải băng đầy màu sắc trên mặt, vai và thậm chí là những khu vực "nhạy cảm".

Trang sức khác thường của VĐV hiện đại

Do tiến sĩ Kenzo Kase phát minh vào năm 1979, miếng dán Kinesio được giới thiệu là một loại sản phẩm có khả năng nâng đỡ lớp da và mô, tạo điều kiện cho máu và các chất dịch có thể dễ dàng lưu thông xung quanh vùng cơ bắp được tác dộng.

“Miếng dán Kinesio có khả năng hỗ trợ trong việc giảm đau và viêm cho các vùng cơ có dấu hiệu bị suy yếu, giúp cho các bó cơ có thể vận động linh hoạt suốt cả ngày. Đồng thời, miếng dán Kinesio còn có thể giúp cho các VĐV có thể tiếp tục tập luyện và thi đấu ngay cả khi họ đang dính chấn thương”, trang chủ của Kinesio Tex Tape cho biết. 

VĐV Katrin Holtwick khiến khán giả ''bỏng mắt'' bởi vị trí miếng dán Kinesio.
VĐV Katrin Holtwick khiến khán giả "bỏng mắt" bởi vị trí miếng dán Kinesio.

Seoul 1988 là kỳ Thế vận hội đầu tiên người hâm mộ được chứng kiến sự xuất hiện của miếng dán Kinesio. Kể từ đó đến nay, đặt biệt trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2012, rất nhiều đội tuyển đã sử dụng miếng dán này khi chính chiến tại đấu trường Olympic. Mới đây nhất, đoàn VĐV của Mỹ đã chính thức có được giấy phép sử dụng miếng dán Kinesio và công nghệ trị liệu “Kinesiology tape”.

Hiệu quả của miếng dán Kinesio có thể kéo dài từ 3 đến 5 ngày và không bị nước ảnh hưởng, nên duy trì tác dụng ngay cả khi tắm hoặc ra mồ hôi. Sự đa đạng về màu sắc cũng mang tới cho người dùng cảm giác hứng thú khi sử dụng.

Ngoài các VĐV thi đấu tại Olympic, những ngôi sao nổi tiếng trong làng thể thao thế giới như Lance Amstrong, David Beckham, Gareth Bale cũng lựa chọn miếng dán Kinesio như một biện pháp hỗ trợ tối ưu mỗi khi gặp phải chấn thương. 

Khuôn mặt VĐV người Latvia Edzus Treimanis được ''trang trí'' bởi miếng dán Kinesio.
Khuôn mặt VĐV người Latvia Edzus Treimanis được "trang trí" bởi miếng dán Kinesio.

Giả dược, không phải doping

Nên nhớ một điều, miếng dán Kinesio không hề có tác dụng “chữa trị chấn thương" như một số VĐV lầm tưởng, trong đó có Manteo Mitchell.

Năm 2008, dù gặp phải chấn thương rất nặng ở chân trái, VĐV Manteo Mitchell đã sử dụng miếng dán Kinesio trước khi bước vào cuộc đua 4x400m tại Olympic Bắc Kinh. Hậu quả xấu đã đến với Mitchel: Anh bị gãy xương mác chân trái, sau khi chạy được nửa đường.

Trong một bài đánh giá gần đây trên tờ Y học Thể thao Anh quốc, việc miếng dán Kinesio giúp cơ thể tăng 0,05% tần suất hoạt động là vô cùng quan trọng trong các trận đấu đỉnh cao, nơi mà chiến thắng và thất bại được quyết định trong tích tắc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là miếng dán Kinesio sẽ bị cân nhắc đưa vào danh sách cấm hay không.

Philip Newton, Giám đốc Trung tâm Lilleshall Sports Injury Rehab giải thích: “Tôi cho rằng, miếng dán Kinesio là một sản phẩm có hiệu ứng giả dược. Các VĐV sử dụng miếng dán này vì họ nghĩ rằng chúng có thể giúp họ thi đấu tốt hơn. Khi bạn có sự tự tin về mặt tâm lý, khả năng chịu đựng những chấn thương của bạn sẽ tăng lên một cách đáng kể”. 

Hiệu ứng giả dược là phương pháp chữa bệnh bằng tác động “ảo”, “đánh lừa” con người. Bác sĩ sẽ không hề chữa trị thực sự về mặt lâm sàng nhưng lại kê đơn dưới danh nghĩa thuốc hay trị liệu tương ứng.

Trong thể thao, rất nhiều HLV đã sử dụng phương pháp này để kích thích tinh thần thi đấu của các VĐV. Khi còn dẫn dắt ĐTVN, HLV Miura đã nói với các cầu thủ về một thứ thần được giúp cho họ "chạy mãi không mệt" (thực chất đó chỉ là một loại vitamin), điều này giúp cho thể lực của ĐTVN được cải thiện một cách đáng kể.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm