Ảnh hưởng của “sức khỏe tâm lý” trong giới thể thao thật ra đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng trước đây, chưa ai tổng hợp lại thành một khái niệm cụ thể, mà chỉ nhắc tới như từng sự cố riêng biệt. Ví dụ như trọng tài Đức Babak Rafati từng tự sát bất thành, mà theo đồn đoán có lẽ do ông chán nản sau khi bị loại khỏi danh sách trọng tài quốc tế, hoặc vì bị xem như trọng tài kém nhất Bundesliga. Đình đám hơn nữa là vụ thủ môn tuyển Đức Robert Enke lao đầu vào xe lửa, ngay sau khi mất con gái 2 tuổi và không thoát khỏi cái bóng quá lớn ở đội tuyển quốc gia của các thủ môn Oliver Kahn với Jens Lehmann.
Từ đây có thể thấy những nhà thể thao gặp vấn đề với “sức khỏe tâm lý” thật ra nhiều vô số kể, thông qua các kiểu hình thức khác nhau và không nhất thiết chỉ phát sinh ở những môn đối kháng cá nhân. Trong các siêu sao từng suýt tàn sự nghiệp vì “sức khỏe tâm lý”, nổi bật nhất phải kể tới Michael Phelps (bơi), Simone Biles (TDDC) và Naomi Osaka (tennis).
1. Michael Phelps
Giải nghệ từ năm 2016, Michael Phelps được xem không chỉ là kình ngư, mà còn là VĐV thành công nhất lịch sử Olympic với 28 huy chương, bao gồm 13 HCV cá nhân trong tổng số 23 HCV - tất cả đều là kỷ lục.
Nay 36 tuổi, huyền thoại Mỹ từng bị trầm cảm, thậm chí đã tính tới chuyện tự sát do "gánh nặng Vàng" như tiết lộ từ năm 2014. Để hồi phục "sức khỏe tâm lý", anh phải tập luyện đều đặn và cố gắng tập trung vào những việc mà anh có thể kiểm soát được.
2. Simone Biles
Mới đây, Simone Biles cho rằng cô "lẽ ra nên bỏ cuộc từ trước Olympic Tokyo 2020". Được xem như VĐV TDDC vĩ đại nhất lịch sử, tuyển thủ Mỹ 24 tuổi có 4 HCV Olympic trước lúc đến Nhật.
Nhưng trong thời gian chuẩn bị cho Tokyo 2020, Biles tạo áp lực không cần thiết cho chính cô bằng bài thi được đánh giá là khó nhất lịch sử, thậm chí chưa có VĐV nào dùng để đăng ký thi đấu chính thức.
Trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo, Biles còn nhận tin người thân đột ngột qua đời. Ngoài ra, cô phải tham dự phiên điều trần liên quan tới cuộc điều tra về hành vi quấy rối tình dục của Larry Nassar - cựu bác sĩ đội tuyển TDDC Mỹ.
Mọi áp lực và phiền phức đã khiến Biles mắc chứng "mất phương hướng", khiến cô không thể biểu diễn TDDC như mong muốn, nên buộc phải bỏ vài nội dung sở trường ở phần thi chung kết.
Biles thừa nhận: "Tôi lẽ ra không nên vào tuyển Olympic nữa, nếu nhìn lại những gì từng trải qua suốt 7 năm. Tôi lẽ ra nên từ bỏ trước Tokyo, khi Larry Nassar bị đưa ra ánh sáng được 2 năm".
3. Naomi Osaka
Naomi Osaka làm mọi người nhận thức rõ hơn về "sức khỏe tâm lý" khi rời bỏ Roland Garros 2021, lúc cỏn là số 2 thế giới của WTA.
Trước đó, tay vợt mang 2 dòng máu Nhật và Haiti tuyên bố cô không muốn dự họp báo, vì thường cảm thấy căng thẳng do hay bị hỏi đểu.
Tay vợt nữ kiếm tiền nhiều nhất thế giới hiện nay thú nhận "sức khỏe tâm lý" của cô bị ảnh hưởng từ ngôi vô địch US Open 2018, vì thắng Serena Williams ở chung kết khiến người Mỹ phẫn nộ.