Đôi khi bạn bị "lạc lối" trong vô số lời khuyên về tập thể dục hay chơi thể thao. Sau đây là những lầm tưởng phổ biến khi chơi thể thao mà có lẽ bạn đã từng được hướng dẫn.
Kéo giãn cơ bắp giúp tránh chấn thương
Chắc chắn bạn từng được khuyên nên kéo giãn cơ bắp để khởi động trước khi chơi thể thao. Nhưng theo nghiên cứu của tạp chí Y học thể thao (Mỹ), điều này là không đúng, thậm chí việc kéo giãn quá đà còn gây rách cơ bởi lúc ấy cơ thể chưa "nóng máy". Thay vì áp dụng động tác giãn cơ tĩnh (thường đứng tại chỗ), hãy làm nóng cơ thể bằng các động tác giãn cơ động.
Cách tốt nhất để khởi động là các bài tập mà chân và tay có thể hoạt động liên tục thay vì ép căng một chỗ. Sau khi các cơ bắp không còn "nguội", lúc này bạn có thể thực hiện động tác kéo giãn từ 20 đến 30 giây. Nên nhớ bạn chỉ cảm thấy căng cơ và hơi không thoải mái, nếu đau thì lập tức dừng việc kéo giãn lại.
Tập thể dục khi đói đốt nhiều mỡ hơn
Thực tế nếu tập aerobic với cái dạ dày trống rỗng, bạn có thể đốt cháy một lượng mỡ nhất định trong quãng thời gian cực ngắn. Nhưng về lâu dài (vài ngày đến tuần), các nghiên cứu chỉ ra cách tập này chẳng đem lại lợi ích nào. Ngược lại bạn còn "nốc" nhiều thức ăn hơn sau buổi tập.
Tập thể dục khi đói cũng giống như lái một chiếc xe ô tô trống rỗng: Bạn sẽ chẳng thể tiến xa.
Giám sát nhịp tim trong quá trình tập
Có một số thiết bị ghi lại nhịp tim của người tập thể dục và đưa ra mức khuyến khích. Tuy nhiên mọi dữ liệu ghi lại phải phụ thuộc vào nhịp tim tối đa/phút (MHR) của chủ thể - mà mỗi người cụ thể có một MHR khác nhau.
Quy ước tính MHR là lấy 220 trừ đi số tuổi của bạn. Cách tính này quá đơn giản và không chính xác, nhất là đối với những người lớn tuổi. Đây là điều nguy hiểm với những người mắc bệnh tim mạch.
Hiện nay, cách dễ nhất để biết bạn có tập quá sức hay không là phương pháp nói-hát. Nếu có thể nói và hát trong lúc tập luyện thì bạn đang tập với cường độ thấp. Nếu chỉ có thể nói mà không hát được, bạn đang tập ở mức độ vừa. Còn nếu chỉ thều thào vài từ, bạn đang tập quá nặng.
Đi bộ, chạy với tạ là tốt nhất
Đeo tạ vào tay, chân hay lên cơ thể rồi đi bộ hay chạy là cách tốt để tăng cường sức mạnh, nhất là thân trên. Đeo tạ cũng khiến đốt cháy nhiều calo hơn. Nhưng vấn đề là phải đeo tạ với cân nặng phù hợp.
Đeo tạ nặng quá dễ chấn thương còn nhẹ quá thì chẳng mấy hiệu quả. Hơn nữa đeo tạ khiến các khớp của bạn phải chịu sức ép nhất là đầu gối, hông và lưng sau.
Phải mua giày chạy theo kiểu chân
Giày chạy có rất nhiều loại và được thiết kế cho nhiều kiểu chân. Nhưng nghiên cứu ở 900 người mới chạy của tạp chí Y tế thể thao (Anh), cho thấy không có sự khác biệt mấy về tỷ lệ chấn thương giữa những người đi giày đúng và không đúng kiểu chân.
Kiểm tra màu nước tiểu để biết cơ thể có mất nước hay không
Có nhiều người cho rằng nước tiểu càng vàng hay đục thì bạn càng mất nước. Nhưng đó là học thuyết vô căn cứ.
Nếu bạn lo việc tập luyện đang vắt kiệt lượng nước trong cơ thể, hay đo trọng lượng trước và sau buổi tập.
Ăn sau khi tập để nạp lại năng lượng
Vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc liệu ăn và nạp protein trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi tập có thực sự đem lại hiệu quả tối đa hay không.
Với những người có 2 buổi tập trong một ngày, việc nạp thêm năng lượng bằng carb (đường, tinh bột) hay protein (thịt) là điều cần thiết sau buổi tập đầu tiên. Nhưng đa số chúng ta chỉ cần tập luyện 1 buổi/ngày nên việc ăn luôn sau đó không quá quan trọng.
Tránh chuyện "giường chiếu" trước khi thi đấu
Đã có thời kiêng cữ là điều bắt buộc trong thể thao. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa các VĐV nam "quan hệ" một lần mỗi buổi sáng trong vòng 6 ngày/tuần, với những VĐV nam kiêng cữ. Còn có nghiên cứu cho thấy các hoạt động thể thao sẽ không bị ảnh hưởng sau 2 tiếng kể từ khi "yêu".