Modric, Welbeck và ám ảnh rách sụn chêm của giới cầu thủ

thứ tư 12-10-2016 14:48:56 +07:00 0 bình luận
Tổn thương sụn chêm là chấn thương phổ biến trong bóng đá. Nhưng các cầu thủ cần phòng tránh như thế nào để không rời xa sân cỏ đến 9 tháng như Danny Welbeck?

Tổn thương sụn chêm là chấn thương phổ biến trong bóng đá. Nhưng các cầu thủ cần phòng tránh như thế nào để không rời xa sân cỏ đến 9 tháng như Danny Welbeck?

Hiếm khi nào Real Madrid lại ra sân mà không có Luka Modric, nếu cầu thủ người Croatia khỏe mạnh. Nói như vậy để thấy rằng Modric đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở Real Madrid.

Không nói đâu xa, sự vắng mặt của Modric trong nửa mùa giải 2014/15 được xem là một trong những nguyên nhân khiến đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha trắng tay. Bây giờ, một lần nữa Luka Modric lại ngồi chơi xơi nước dài hạn bởi chấn thương sụn đầu gối trái.

Trên thực tế, Luka Modric có tiền sử chấn thương gân kheo, mắt cá và đầu gối khá “hoành tráng”. Tình trạng dính chấn thương liên miên của Modric được lý giải do anh chỉ sở hữu chiều cao khiêm tốn (1m74) cùng thân hình mỏng cơm (65kg), nhưng lại thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm vốn tập trung rất nhiều cầu thủ cao lớn, khỏe mạnh. Không những thế, cầu thủ Croatia còn là một trong những cầu thủ hoạt động năng nổ nhất ở Real với quãng đường di chuyển trung bình mỗi trận luôn vượt quá 10km.

Luka Modric và ám ảnh rách sụn chêm của giới cầu thủ
Modric thường phải đối mặt với những đối thủ cao lớn hơn anh cả một cái đầu ở khu vực giữa sân

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Modric thường xuyên gặp chấn thương nặng khiến anh phải rời xa sân cỏ hàng tháng trời. Nặng nhất là hai chấn thương dây chằng đầu gối và gân kheo ở mùa giải 2014/15 khiến tiền vệ người Croatia phải nghỉ tổng cộng 214 ngày.

“Luka Modric là một tiền vệ và đó là một trong những vị trí có tính cạnh tranh cao nhất”, bác sĩ thể thao Mirja Marco chia sẻ trên Goal, “Những cầu thủ chơi ở vị trí này cần có sức mạnh, sự xông xáo và tất nhiên là cả sự phản ứng nhanh".

Dĩ nhiên, việc phải hoạt động ở cường độ cao với tần suất liên tục rất dễ gây ra chấn thương. Trong trường hợp của Luka Modric, ngay sau khi đá trọn 90 phút trong trận hòa 2-2 giữa Dortmund và Real Madrid tại Champions League, tiền vệ người Croatia có dấu hiệu đau đớn trong một buổi tập của Real Madrid. 

Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, Modric đã gặp chấn thương sụn đầu gối trái. Anh cần phẫu thuật và rời xa sân cỏ trong khoảng thời gian 4-6 tuần.

Luka Modric và ám ảnh rách sụn chêm của giới cầu thủ

“Việc lạm dụng khớp xương và thi đấu liên tục trong suốt mùa giải có thể gây ra tổn thương cho sụn khớp. Mặt khác, sụn khớp đã bị tổn thương thì không có khả năng tái tạo”, bác sĩ Marco cho biết.

Trên thực tế, chấn thương của Luka Modric chưa thấm vào đâu so với trường hợp của Danny Welbeck. Tiền đạo Arsenal phải rời xa sân cỏ từ đầu tháng 5 vì tổn thương sụn đầu gối nghiêm trọng sau một tình huống va chạm với Fernandinho (Man City). Dự kiến, Welbeck chỉ có thể trở lại thi đấu vào tháng 2 năm sau. Điều này đồng nghĩa rằng Danny Welbeck sẽ phải nghỉ thi đấu đến ... 9 tháng.

Luka Modric và ám ảnh rách sụn chêm của giới cầu thủ
Welbeck phải ngồi ngoài 9 tháng vì rách sụn chêm

Trường hợp của Modric không nghiêm trọng như vậy, nhưng tiền vệ Real Madrid cũng phải hết sức chú ý bảo vệ đầu gối của mình nếu muốn kéo dài sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Nên nhớ rằng tổn thương sụn chêm là một trong những chấn thương phổ biến nhất trong bóng đá, chiếm 12% ca chấn thương trong hệ thống các giải đấu bóng đá tại Anh ở mùa giải 2004/05 (theo thống kê của trang Physioroom). Tính ra thì chỉ có chấn thương cơ bắp (33%) và dây chằng (31%) mới xảy ra nhiều hơn chấn thương sụn chêm.

Thống kê cho thấy, hầu hết các ca chấn thương sụn chêm trong bóng đá đều phải tiến hàng phẫu thuật kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu nhằm sớm phục hồi chức năng của đầu gối. Trong trường hợp này, các cầu thủ sẽ phải rời xa sân cỏ khoảng 1-2 tháng, hoặc thậm chí 6-9 tháng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương sụn. Ngược lại, trường hợp chấn thương sụn nhẹ có thể điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu.

Mặc dù vậy, do sụn chêm không thể tái tạo nên Mirja Marco vẫn khuyến khích các cầu thủ nên tập phòng tránh chấn thương thay vì “chữa cháy” bằng cách cắt, khâu hoặc ghép sụn. Theo đó, các cầu thủ cần giảm áp lực cho đầu gối bằng một chế độ tập luyện, thi đấu và nghỉ ngơi hợp lý chứ không nên cố sức ra sân trong cả mùa giải.

Luka Modric và ám ảnh rách sụn chêm của giới cầu thủ
Vị trí sụn chêm ở khớp gối

Mặt khác, việc tăng cường cơ bắp xung quanh đầu gối sẽ giúp giảm áp lực lên đầu gối. Điều này có nghĩa các cầu thủ cần tăng cường tập luyện cơ đùi thật khỏe để tăng sức chịu đựng cho khớp gối trong quá trình thi đấu. Thực tế cho thấy, những cầu thủ sở hữu bắp đùi “khủng” như Cristiano Ronaldo, Gareth Bale, Hulk hay Xherdan Shaqiri hiếm khi gặp chấn thương đầu gối chứ chưa nói đến chuyện tổn thương sụn chêm. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm