Cô gái liệt 2 chân chạm đỉnh Paralympic
Là người thông minh, nhanh nhẹn, nhưng số phận đã cướp đi đôi chân của chị sau một cơn sốt cao. Cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Hồng đã sống những tháng ngày buồn tủi, đầy mặc cảm, tự ti. Những tưởng cuộc sống của Hồng chỉ quanh quẩn sau luỹ tre làng - xã Hải Chánh - Hải Lăng - Quảng Trị, suốt ngày chỉ biết làm bạn với đôi nạng gỗ và ngắm nhìn chúng bạn tung tăng với biết bao thèm muốn.
Nhưng thật may mắn, trong một lần tham dự giải thể thao người khuyết tật do huyện Hải Lăng tổ chức, Nguyễn Thị Hồng đã thi đấu xuất sắc giành HCV cự ly 3.000m xe lăn. Cũng chính từ đây, cuộc đời chị gắn liền với thể thao.
Thành tích trên đã thôi thúc Hồng chăm chỉ tập luyện vừa để tăng cường sức khoẻ và có cơ hội được giao lưu với bạn bè. Nguyễn Thị Hồng đã không ngừng khổ luyện, bất cứ ngày hay đêm. Bước ngoặt đối với chị chính là lần tham dự giải tiền PARA Games 2003 tại Hà Nội, tham gia thi 2 môn xe, cử tạ, đoạt luôn 1 HCV, 1 HCB. Cũng kể từ đó, Hồng chính thức trở thành VĐV cử tạ.
Sau 12 năm gắn bó với cử tạ, Nguyễn Thị Hồng đã giành trên 20 huy chương quốc tế các loại, trong đó có gần chục HCV tại các kỳ PARA Games và giải Châu Á. Riêng với đấu trường Paralympic mà mình 2 lần dự tranh, Hồng đã tạo ra một cột mốc mới cho thể thao người khuyết tật Việt Nam khi có kết quả thi đấu bằng đúng đối thủ đoạt hạng 3, chỉ chịu thua về chỉ số phụ.
Xây “tổ ấm” bên người thợ rừng khỏe đẹp
Như tâm sự của Nguyễn Thị Hồng, nếu không có thể thao, chắc chắn đến giờ cuộc sống của chị vẫn bó gọn sau lũy tre làng của vùng quê nghèo Quảng Trị, trong sự đói nghèo và buồn khổ.
Mối duyên ngẫu nhiên mà như định mệnh đã giúp chị có tất cả – sức khỏe, sự nghiệp và cả hạnh phúc, những điều mà sau khi 2 chân bị liệt chị chưa từng dám mơ tới. Thể thao đã cho chị sự lạc quan, tự tin để hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành một VĐV, thậm chí còn có cả một sự nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định, cho dù chủ yếu vẫn chỉ trông cậy cả vào khoản tiền thưởng thành tích. Điều quan trọng nhất, thể thao đã đóng vai cầu nối để Hồng tìm thấy hạnh phúc của đời mình, bên người bạn đời chung thủy và tận tụy.
Vợ chồng chị đã bén duyên nhau qua những giải đấu thể thao. Anh Nguyễn Trọng Vũ - một người hoàn toàn khỏe mạnh, trong những lần đến sân theo dõi người khuyết tật thi đấu đã cảm mến, thông cảm rồi quyết định nên duyên với nữ tuyển thủ khuyết tật. Và giờ đây, họ đã cùng nhau xây đắp nên một tổ ấm bình dị mà tràn ngập tiếng cười. Hồng đã tâm sự trong niềm tự hào dâng trào rằng cảm ơn nghiệp thể thao định mệnh đã mang đến cho mình một người chồng, tổ ấm tuyệt vời. Đã thành một nếp quen, ngày nào cũng vậy, anh Vũ luôn giành thời gian đưa vợ đi tập, rồi một tay gánh vác mọi công việc của gia đình, kể cả chăm sóc con cái.
Với một chỗ dựa vững chắc như thế, thật dễ hiểu, đô cử Nguyễn Thị Hồng đã luôn hướng về phía trước, chưa bao giờ khuất phục trước mọi gian nan thử thách.
Chính nhờ quá trình tập luyện liên tục và lâu dài, một người phụ nữ chỉ nặng chưa tới 40 kg, cao vỏn vẹn 1m 42 đã có sức khỏe dồi dào, với sự bền bỉ hiếm có. Trong đó, với chiến tích đỉnh cao tổng cử 88kg tại Paralympic 2012, người phụ nữ “thép” này đã nâng được tới gần 6kg chỉ trong 2 năm. Với một đô cử khuyết tật “tí hon” thành quả đó thực sự là một kỷ lục đáng kinh ngạc, “kinh hoàng”. Có lẽ ngay tầm quốc tế, cũng hiếm ai làm được như tuyển thủ VN, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nội lực thâm hậu, gắn với ý chí và nỗ lực phi thường.
Hằng ngày, Hồng vẫn tranh thủ dậy từ rất sớm để 6 giờ lấy vé số đi bán. Mỗi ngày, chị lắc xe đi từ quận Tân Phú đến quận 1, quận 6, Bình Thạnh... để bán vé số. Trung bình mỗi ngày, trong hành trình dài với quãng thời gian từ 6g30-15g, Hồng bán được 200 vé, kiếm được khoảng 200.000 đồng, rồi lại thẳng tiến tới nơi tập luyện”.