Khác với một đội bóng đá gồm 11 người, đội futsal chỉ có 5 người, kể cả thủ môn, nhưng số lượt thay người không hạn chế. Và khác với một số hình thức đá bóng trong nhà khác, futsal diễn ra trên mặt sân cứng được giới hạn trong những vạch sân, không cho cầu thủ dùng tường hoặc biển quảng cáo để bật bóng.
Đồng thời, quả bóng của futsal (chu vi 62–64 cm, nặng 400-440g, độ nẩy 50-65cm) nhỏ hơn quả bóng đá thông thường do kích thước của sân. Kết hợp các yếu tố như mặt sân, bóng và những luật lệ riêng, futsal đề cao lối chơi ngẫu hứng, sáng tạo, kỹ thuật cùng kỹ năng xử lý và chuyền bóng trong không gian hẹp với kỹ thuật cơ bản là tiếp bóng, rê bóng bằng gầm giày.
Chào đời muộn hơn nhiều so với bóng đá, futsal xuất hiện lần đầu vào năm 1930 do óc sáng tạo của Juan Carlos Ceriani Gravier, một thầy giáo ở Montevideo (Uruguay). Trò chơi bóng đá trong nhà do ông khởi xướng thoạt đầu thường diễn ra ở các sân bóng rổ, và tới tháng 09/1933 thì có luật lệ được in thành sách hẳn hoi.
Ý tưởng của ông là muốn tạo ra trò chơi đồng đội có thể tổ chức trong nhà lẫn ngoài trời có hình thức giống như bóng đá, môn thể thao phát triển mạnh mẽ ở nước này từ sau khi Uruguay vô địch World Cup 1930 và đoạt HCV các Olympic 1924 và 1928. Tuy nhiên, Ceriani không muốn futsal trở thành bản sao thu nhỏ của bóng đá, nên áp dụng các quy định của những môn thể thao khác vào trò chơi.
Do đó, số cầu thủ (5 người) và thời gian thi đấu (40 phút, mỗi hiệp 20 phút, mỗi hiệp các đội được tạm dừng hội ý 1 lần trong 1 phút) tương tự bóng rổ, vai trò thủ môn tương tự bóng nước, còn mặt sân (tối thiểu 25x16m, tối đa 42x25m) và khung thành (cao 2m, dài 3m) theo kích cỡ bóng ném. Trong một số giải, trận đấu có thể kéo dài sang 2 hiệp phụ với mỗi hiệp 5 phút.
Nếu vẫn chưa phân thắng bại, mỗi đội sẽ đá 5 quả phạt đền từ cự ly cách khung thành 6m. Nếu vẫn chưa quyết thắng thua, mỗi đội sẽ luân phiên đá thêm 1 lần cho tới lúc có bên ghi bàn nhiều hơn. Tuy nhiên, số bàn ghi trong loạt đá luân lưu này sẽ không tính vào tỷ số chung cuộc.
Ngoài ra, khác với bóng đá, futsal còn có chấm phạt đền thứ 2. Chấm đá phạt này cách khung thành 10m, dành để phạt đội phạm lỗi thứ 6 hoặc nhiều hơn trong 1 hiệp. Khi đội hưởng đá phạt thực hiện cú sút, mọi cầu thủ đối phương đều phải đứng phía sau và thủ môn đối phương đứng cách bóng ít nhất 5m.
Một đặc điểm đáng chú ý khác của futsal là thủ môn. Sau khi nhận bóng, thủ môn chỉ được giữ 4 giây là phải chuyền ngay, nếu không, đội nhà sẽ bị phạt gián tiếp. Tuy nhiên, thủ môn có quyền giữ bóng bao lâu tùy thích khi ở bên sân đối phương.
Bên cạnh đó thì một khi chuyền hoặc ném bóng đi, thủ môn không được chạm bóng thêm lần nữa cho đến lúc bóng ra khỏi sân hoặc chạm vào đối thủ. Ngoài ra thì trước đây, thủ môn có bóng (bóng sống) thì được dùng tay ném thẳng vào cầu môn bên kia, nhưng bây giờ chỉ cho đá bằng chân.
Về quả phát bóng thì trong futsal, thủ môn phải dùng tay ném bóng ra khỏi vùng cấm, thay vì đá bóng. Cũng khác với bóng đá, futsal thay ném biên bằng đá biên. Tuy nhiên, cầu thủ đá biên sút thẳng vào khung thành đối phương chỉ được công nhận bàn thắng nếu trước đó, bóng chạm vào người khác rồi mới đi vào lưới.
Và do kích cỡ sân quá nhỏ, futsal không có luật việt vị như bóng đá. Cuối cùng song không kém phần quan trọng là thẻ đỏ (trực tiếp hoặc quy đổi từ 2 thẻ vàng). Không như bóng đá, cầu thủ bị đuổi do thẻ đỏ trong futsal chỉ khiến đội nhà phải thi đấu thiếu người trong 2 phút hoặc cho tới lúc đối phương ghi bàn.