Sau một năm tập luyện, thi đấu cật lực, các cầu thủ sẽ trở về gia đình, đoàn tụ cùng người thân, bạn bè, quây quần bên những bữa cơm ngon ngày Tết. Mâm cơm ngày Tết quy tụ đủ các món ăn truyền thống, luôn được làm thịnh soạn hơn những ngày thường, rất ngon mắt và ngon miệng.
Tuy vậy, nếu việc ăn uống không được kiểm soát hợp lý, các cầu thủ có thể sẽ không đạt phong độ tốt nhất khi quay trở lại tập luyện cho mùa giải sau Tết. Để tận hưởng ngày Tết trọn vẹn và duy trì hiệu suất tốt nhất, các cầu thủ sẽ phải tự điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Linh hoạt cân bằng giữa chế độ dinh dưỡng và lượng vận động
Trước khi ăn “thả phanh” mâm cỗ Tết, các cầu thủ có thể làm một phép so sánh nhỏ giữa những hoạt động của ngày nghỉ Tết và một ngày tập luyện thông thường ở đội. Đa phần cường độ hoạt động của những ngày nghỉ lễ sẽ giảm nhiều so với đợt tập trung do nghỉ tập luyện, cường độ tập luyện giảm, hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi ở nhà hơn.
Do đó, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với lượng vận động là cách để cân bằng giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng nạp vào, tránh tăng cân hoặc tăng lượng mỡ cơ thể, hướng tới mục tiêu duy trì thể hình và phong độ.
Để cân bằng, việc tiêu thụ năng lượng từ đồ ăn hằng ngày trong dịp lễ cần chú ý hơn. Chẳng hạn, một cầu thủ nặng 70kg sẽ tiêu hao khoảng 3.300 – 3.500 kcal cho một ngày tập luyện, trong đó một buổi tập hoặc một trận đấu chiếm từ 500 – 1.500 kcal. Do đó, với những ngày nghỉ ít có hoạt động thể lực như lễ Tết hoặc ngày nghỉ tập thông thường, năng lượng tiêu thụ đến từ thực phẩm hằng ngày nên giảm xuống 500 – 700 kcal.
Cách lựa chọn thực phẩm phù hợp
Trong thời gian này, chất lượng của thực phẩm cần được ưu tiên hơn số lượng, nên chọn những món ăn liên quan đến mục tiêu về hiệu quả phong độ. Mặc dù cần giảm năng lượng ăn vào, nhưng chế độ dinh dưỡng của một cầu thủ vẫn phải đảm bảo đủ tinh bột (carbohydrate), protein để bảo đảm tối ưu sự tổng hợp cơ bắp.
Ngược lại, lượng chất béo cần được kiểm soát để tránh gây dư thừa calo, dẫn tới tăng phần trăm mỡ của cơ thể. Bên cạnh đó, nên chọn các loại tinh bột (carbohydrate) có chất dinh dưỡng như gạo, ngũ cốc, rau củ, trái cây thay vì đồ ăn “năng lượng rỗng” như nước ngọt, bánh kẹo, bim bim, mứt ngâm đường…
Dưới đây là những gợi ý về lựa chọn phù hợp để đáp ứng mục tiêu cân bằng năng lượng nhưng vẫn thưởng thức được hương vị món ăn ngày Tết:
Một chén nhỏ xôi gấc và một miếng bánh chưng đều có thành phần chủ yếu là tinh bột, thành phần quan trọng để nạp năng lượng cho cơ bắp. Tuy nhiên để tránh “vô tình” ăn nhiều hơn nhu cầu, các cầu thủ có thể kiểm soát calo bằng cách ăn mỗi thứ một phần nhỏ, hoặc ăn món này bù trừ món kia, thay vì ăn lượng lớn cả hai món ăn.
Nếu so sánh giữa 100g (không tính xương) giữa thịt gà nạc và thịt gà nhiều da, lượng protein trong thịt gà nạc nhiều hơn nhưng năng lượng lại thấp hơn. Vì vậy, lựa chọn này đáp ứng được mục tiêu đủ protein trong khẩu phần, duy trì khối lượng cơ bắp cho cầu thủ.
Tương tự như thịt gà, nếu trên mâm có món thịt heo kho, nên chọn phần thịt nạc, hạn chế phần ba chỉ nhiều chất béo!
Lựa chọn đồ uống không năng lượng sẽ tốt hơn đồ uống có “năng lượng rỗng”. Chẳng hạn, nước ép trái cây sẽ chứa nhiều vitamin, còn bia hoặc nước uống giải khát có đường thì hoàn toàn không.
Món ăn càng nhiều màu sắc, càng nhiều vitamin và chất chống oxy hóa
Ngoài năng lượng và protein, vitamin và chất khoáng từ trái cây, rau củ, đặc biệt là những rau củ thực vật có màu sẫm như cà rốt, cà chua, nho, dâu tây, đu đủ chín, rau xanh sẫm,… chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp cải thiện khả năng hồi phục, chống viêm và nâng cao sức đề kháng.
Một chế độ ăn nhiều màu sắc “cầu vồng” có thể giúp thể trạng chung của các vận động viên tốt hơn, từ đó có hiệu quả tích cực tới hiệu suất luyện tập và thi đấu.
Chất xơ trong rau củ còn có thể tạo cảm giác no để kiểm soát lượng thức ăn nạp vào và hỗ trợ hoạt động tiêu hóa của ruột già. Những món ăn ngày Tết đáp ứng tiêu chí này có thể kể đến như các món rau xào, nộm, salad, gỏi cuốn, trái cây ngày Tết…