Đằng sau chấn thương "trị giá" 1,4 tỷ đồng
Năm 2010, Công Vinh dính chấn thương dây chằng đầu gối phải trong buổi tập luyện, sau đó tiền đạo người xứ Nghệ được CLB Hà Nội T&T cho sang Bồ Đào Nha để mổ và điều trị phục hồi với tổng thời gian 10 tháng. Theo Công Vinh chia sẻ, tổng chi phí để chữa trị chấn thương của anh khoảng 1,4 tỷ đồng. Đó được xem là số tiền khủng để chữa trị chấn thương dây chằng với một cầu thủ Việt Nam. Điển hình như trường hợp của Anh Khoa, đầu gối gần như bị “nát” với nhiều dây chằng bị đứt nhưng tổng chi phí điều trị chỉ hơn 800 triệu đồng, tại Singapore cũng được xem là mức khá cao. Còn lại nhiều cầu thủ Việt Nam khác điều trị chấn thương dây chằng với mức phí chỉ bằng 1/4 số tiền kỷ lục 1,4 tỷ đồng của Công Vinh.
Vì sao Công Vinh phải tiêu tốn tới 1,4 tỷ đồng cho chấn thương dây chằng?
Giải đáp cho thắc mắc trên, Công Vinh chia sẻ: “Nhiều người có thể mất 6 tháng hồi phục nhưng có người phải đến 10 tháng. Trường hợp của tôi là hơn 10 tháng. Khi trở lại, tôi có thể chơi với 95% - 100% phong độ. Ở Việt Nam mổ dây chằng xong thì mình "tự bơi" nhưng tôi tập ở nước ngoài thì đó là sự khác biệt.
Bình thường mổ dây chằng ở Singapore sẽ lấy sợi gân ở đùi sau nhưng bác sỹ mổ cho tôi lại lấy gân của xương bánh chè. Đó được xem là sợi gân chắc nhất trên cơ thể người. Tuy nhiên, mổ như thế thì cần thời gian hồi phục lâu hơn người khác. Dây chằng để lâu hơn thì độ bền tốt hơn. Những cầu thủ khác mất 6-7 tháng sẽ đá lại nhưng tôi cần khoảng 10 tháng mới có thể trở lại. Chứng tỏ tôi mất thời gian nhiều hơn, có chế độ tập hồi phục tốt hơn và tập với cường độ cao hơn.
Thời điểm đó, tôi tập ở trung tâm hồi phục thuộc thành phố Porto với giá 40 euro cho 1 tiếng đồng hồ và mỗi ngày tập 2 tiếng. Tôi còn tập thêm buổi sáng ở bể bơi. Chỗ tôi tập có nhiều cầu thủ nổi tiếng từng đến như Kaka, Anderson... Những cầu thủ của CLB Porto đều đến tập hết. Đó là nơi chuyên tập hồi phục cho VĐV cấp cao. Tại đây, ngoài việc hướng dẫn theo giáo án, các bác sỹ còn giúp tôi tập bằng máy. Mỗi loại cơ đều có máy tập riêng để gần như toàn bộ cơ thể phải hoạt động. Bình thường mình chạy thì cơ mới cứng được, nếu không tập thì cơ sẽ bị teo. Họ có máy tập nên mình chưa gập được thì họ vẫn tập máy cho mình. Họ sẽ có từng giai đoạn để biết mức độ dây chằng mình hồi phục như thế nào.
Vào tháng thứ 3 sau ca mổ, tôi đã có thể đi lại được. Buổi sáng, tôi tập bơi 1000 mét. Tôi tập khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng ở bể bơi. Buổi chiều, tôi tập gym, đạp xe đạp, đá bóng lưới nhỏ, các bài tập với máy về cơ chân.Tháng thứ 4, tôi có thể vận động, có thể chạy thì ra làm quen với bóng từ động tác cơ bản nhất. Bác sỹ sẽ theo dõi tôi từ các bài tập về sức nhanh, chạy, xoay sở…Đến tháng thứ 5-6, tôi đã hồi phục thì phải nâng cao thể lực, tốc độ của mình lên. Muốn tập phải có phương pháp, họ có HLV chỉ cho mình. Mình tập như vậy thì không bị tăng cân và kiêng cữ nhiều. Cộng tất cả mọi thứ như thế, mình phải hồi phục tốt thôi”.
Và đến chấn thương cơ háng...
Dính chấn thương rách cơ háng trong trận ĐTVN gặp Đài Loan (Trung Quốc), Công Vinh đã phải mất hơn 2 tuần để hồi phục chấn thương và trở lại thi đấu cho B.Bình Dương trong trận gặp SHB.Đà Nẵng ngày 25/4. “Tôi dính chấn thương rách cơ háng. Theo chụp phim bác sỹ nói, tôi phải ít nhất từ 1 đến 2 tuần mới có thể trở lại tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, với những biện pháp tốt nhất như không để tăng cân, ăn uống điều độ và có chế độ khoa học hơn, tôi đã sớm lấy lại cảm giác và thi đấu tốt", Công Vinh nói.
Cũng theo cầu thủ này, bữa sáng là một trong những bữa ăn cần thiết nhất cho cơ thể, vì vậy anh luôn chú trọng điều này, "Ví dụ buổi sáng mình ăn với chế độ không mỡ nhiều, có thể ăn vài lòng trắng trứng, ăn khoai lang. Mình ăn cơm ít lại và tập vận động để cho ra mồ hôi. Nhằm giúp không tăng cân để cơ thể mình có thể vận động với khối lượng như người bình thường. Kết hợp với uống thuốc, mát-xa điều trị chấn thương và chườm đá. Lúc điều trị chấn thương cơ háng thì tôi đạp xe đạp, tập phần trên, cơ bụng, tay, bơi, tâng bóng... Chấn thương của tôi hiện tại hồi phục hoàn toàn…”, Công Vinh chia sẻ.
Dù đưa ra những phương pháp điều trị khoa học dựa trên sinh hoạt của cá nhân mình nhưng theo Công Vinh, đó cũng chỉ là những giải pháp "chữa cháy" bởi mô hình tiên tiến rất khác. "Ở nước ngoài có những chế độ khác. Họ có những trung tâm như tại sao tôi sang Bồ Đào Nha mổ dây chằng đầu gối thì tôi tập khác. Họ biết mức độ chấn thương như thế nào, có máy để tập những bài tập và giáo án riêng.
Họ biết cách làm gì để mình có những bài tập không bị đau cơ háng với những bài tập khác và đó là sự khác biệt so với những cách chữa trị chấn thương ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ở nước ngoài ít bị các chấn thương lặt vặt như lật cổ chân. Vì sân bãi rất tốt và cầu thủ đá không nguy hiểm, trừ trường hợp đáng tiếc xảy ra...”, Công Vinh chia sẻ.