Cờ vua: Tập thể thao cho… trí tuệ

thứ tư 16-9-2015 16:37:48 +07:00 0 bình luận
Có rất nhiều loại hình thể thao giải trí nhưng cờ vua là loại hình độc đáo và nhiều người theo đuổi nhất.

Những người không biết và không thích thường cho rằng chơi cờ vua mệt não nhưng với người đã biết chơi thì đây thực sự là môn thể thao cho trí óc, không làm não mệt mà còn tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng thần kinh.

Cờ vua: Tập thể thao cho... trí tuệ
Nên học từ lúc 3-4 tuổi

Bao nhiêu tuổi thì nên đi học cờ vua? Chắc là phải biết chữ rồi đi học. Đó là quan niệm sai lầm của mọi bố mẹ. Thêm nữa, không phải trung tâm thể thao nào cũng nhận các bé còn “xíu xiu”.

Ông Nguyễn Minh Thắng, Trưởng bộ môn Cờ vua (Tổng cục TDTT) khẳng định: “Từ 3 đến 4 tuổi, trẻ em đã sẵn sàng để chơi cờ. Bằng chứng là rất nhiều học trò của tôi đã đi thi giải vô địch thế giới cho lứa tuổi nhi đồng khi mới 4 tuổi. Ngồi đối mặt với những bạn bè khắp năm châu lớn hơn, cao hơn, to khỏe hơn nhưng các cháu hoàn toàn không cảm thấy áp lực gì. Vì trên bàn cờ, tất thảy đều công bằng và trí tuệ là thước đo”.

Nếu con quá hiếu động, nên cho đi học võ thuật, đá bóng chăng? Chứ cờ vua thì chắc là bé sẽ không ham. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Đại kiện tướng cờ vua Lê Thanh Tú, người cũng mở một trung tâm cờ vua cùng chồng cho biết: “Bé càng hiếu động, càng nên cho con bạn đi học cờ vua. Chúng tôi có nhiều biện pháp để truyền thụ tình yêu cờ vua cho các bé. Càng hiếu động, chứng tỏ trí óc của cháu nhạy bén và có những suy nghĩ vượt chuẩn, đó là điều kiện tuyệt vời để có những nước cờ hay. Học cờ vua cũng sẽ giúp các em nhỏ học được cách tập trung tinh thần, đĩnh đạc hơn. Rèn luyện cờ vua cho con trẻ từ lúc mới 3-4 tuổi sẽ giúp các em nhỏ có nền tảng trí tuệ để lúc đi học tự tin, có suy nghĩ độc lập hơn. Đương nhiên, song song với việc học cờ vua, cháu hoàn toàn có thể học võ thuật, các môn bóng để phát triển thể lực”.

Cờ vua: Tập thể thao cho... trí tuệ

Theo thống kê không chính thức của Bộ môn cờ vua (Tổng cục TDTT), hầu hết các bé theo học cờ vua ở trung tâm đều có trí tuệ vượt trội. Thường thì các cháu đứng đầu lớp ở cấp bậc tiểu học, trung học (giới hạn lứa tuổi thống kê) vì khả năng tập trung cao, nhớ/thuộc bài nhanh, đặc biệt là giỏi toán. Bởi hơn bất kỳ môn thể thao nào, việc tư duy hình khối, không gian, khả năng tính toán, dự liệu – những kỹ năng cơ bản nhất của cờ vua – đều có mặt trong toán học.

Thực tế cho thấy các kỳ thủ nổi tiếng ở Việt Nam đều có thành tích xuất sắc trong học tập, thường thi đỗ vào những trường Đại học danh giá nhất như Ngoại thương, Ngoại giao, Kinh tế quốc dân, Ngân hàng, Thương mại, Tài chính.

Như kỳ thủ Lê Thanh Tú (Hà Nội) đã tốt nghiệp trường Đại học Tài chính. Các kỳ thủ nhí Anh Khôi, Ngọc Huy… đều là ‘siêu sao” của lớp dù không bao giờ đi học thêm, do mất nhiều thời gian cho việc du đấu.

Bài học của nước Mỹ

Mỹ là một trong số các nước áp dụng tối đa sức mạnh của cờ vua, bởi họ thấu hiểu giá trị của cờ vua trong giáo dục. Từ năm 2000, Tổ chức cờ vua của Mỹ (AF4C) đã nghiên cứu trên những học sinh lớp 2 và lớp 3 cũng như các giáo viên thúc đẩy việc sử dụng cờ vua như một công cụ giáo dục. Mục tiêu của chương trình giảng dạy cờ vua học đường có tên First Move là sử dụng môn cờ vua như một công cụ để nâng cao kỹ năng tư duy cấp độ cao hơn, nâng cao kỹ năng đọc, khả năng học toán học và nâng cao… sự tự tin.

Bởi, theo AF4C, cờ vua không nói về Vua, Hậu hay những quân cờ mà đúng hơn, cờ vua giúp hình thành tư duy chiến lược và suy tính trước mọi thứ. Đó là cách tìm ra chiến thuật, giáo dục cách nhìn nhận, quan điểm và cách thức ra quyết định.

Cờ vua: Tập thể thao cho... trí tuệ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có một sự tương quan mạnh mẽ giữa học chơi cờ vua và thành tích học tập. Bên cạnh đó, năm 2000, Đại học Harvard đã có một nghiên cứu chứng minh rằng, những học sinh được hướng dẫn chơi cờ vua đạt được thành tích học tập cao hơn đáng kể ở tất cả các môn học, đặc biệt là: Toán, phân tích không gian và khả năng lý luận phi ngôn ngữ.

Độ tuổi 3-4 tuổi thực sự là “thời điểm vàng” cho con trẻ bắt đầu học chơi cờ vua. Đương nhiên, ở độ tuổi 8-9 khi trẻ em đang phát triển kỹ năng tư duy nhanh nhất thì bé sẽ tiếp thu nhanh hơn. Nhưng nếu học lúc này, việc làm quen muộn sẽ khiến trẻ không đủ quỹ thời gian để rèn tập những kỹ năng tư duy cấp cao hơn, như: Hình dung, phân tích và… phản biện.

MY MY

Giáo sư Ngô Bảo Châu ủng hộ cờ vua học đường

Cờ vua: Tập thể thao cho... trí tuệ

Với tâm huyết tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em nhỏ lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng, GS. toán học Ngô Bảo Châu – người sáng lập Vườn ươm tài năng Talinpa phối hợp cùng Công ty Vietchess tổ chức “Giải cờ vua vườn ươm tài năng Talinpa lần I”. Giải đấu vừa kết thúc ngày 13/09 vừa qua tại Cung thể thao dưới nước quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Giải đấu này được xem là một sự kiện quan trọng với các bạn nhỏ yêu thích cờ vua trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh lân cận, với sự tham dự của hơn 400 kỳ thủ nhí ở các độ tuổi U6, U7, U8, U9, U11 và U13 thi đấu 8 ván cờ nhanh (mỗi bên có 20 phút để hoàn thành ván cờ). Ngoài giải thưởng là Cúp và quà, vinh dự nhất là các kỳ thủ đều được trao Giấy chứng nhận tham dự giải của GS. Ngô Bảo Châu.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm