“Ngày trước, có bữa trước khi vào tập, thầy nói hôm nay nâng 80kg nhé. Thế là cả buổi, em không tài nào nâng được một lần”, Phượng kể rất tự nhiên.
“Nếu mà biết trọng lượng chuẩn bị nâng thì tinh thần em nó sao đó. Kiểu gì cũng không nâng nổi. Thế nên thầy biết, cứ lẳng lặng bảo vào tập, rồi bảo đẩy đi là em đẩy thôi. Bữa trước, em đẩy xong đặt tạ vào giá, mới hỏi: Thầy, hôm nay là bao nhiêu mà thấy nặng dữ vậy? Thầy nói 97 kg đấy. Chu cha, bảo sao nặng dữ. Nhưng thầy biết tính em rồi. Có hôm ê tay quá, em quăng tạ cái rùm nói không tập nữa. Thầy chẳng bảo sao, chứ người khác là có khi la rầm trời rồi đó…”.
Cô em út trong đội tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam cứ hồn nhiên kể những chuyện rất lạ của mình, bằng cái giọng nhỏ nhẹ. Linh Phượng đến với cử tạ thật ngẫu nhiên, nhẹ nhàng, khi “có anh cùng làm cũng tập điền kinh trong đội, rủ em lên Tân Bình chơi. Vào đó rồi anh mới nói với thầy Dũng (HLV Mai Chí Dũng, nay chuyển sang đội Boccia) là có đứa em muốn chơi thể thao cho khỏe người. Thầy Dũng mới nói đang cần người cho đội cử tạ. Quãng ấy vào 2010, tập chừng 2-3 tháng thì đi Para Games, thế mà cũng được cái HCV hạng 48kg. Em ngạc nhiên lắm, cả đời có bao giờ làm gì nặng đâu chứ, nói gì tới việc đẩy cả mớ tạ”.
“Cái đợt em đang tập, một hôm lên Trung tâm mới không thấy thầy Dũng đâu, thấy thầy Phúc đứng đó vừa ngạc nhiên vừa hoang mang”, nhà vô địch Para Games hạng 50kg kể. “Chứ, cái đợt thầy mới nói hạng 48kg không tổ chức nữa, giờ phải nâng lên 50kg, nản dễ sợ. Đi từ Bình Thạnh lên Tân Bình xa mút mắt, đợt đầu em đi cái xe lắc lên tới nơi, mệt không muốn làm gì đừng nói là phải đẩy tạ nữa, thế là em nghỉ. Nghỉ 3 ngày, thầy mới xuống nhà nói: Nghỉ thì ở nhà làm gì? Thôi, đi tập đi vừa vui lại vừa khỏe, thế là em lại đi tập”.
Câu chuyện của Linh Phượng cứ lan man từ chuyện đôi chân tật nguyền bẩm sinh đến việc “không ở cùng ba mẹ mà ở cùng với nội”, cho tới chuyện tăng ép cân trước khi vào giải. “Làm thể thao thì anh biết rồi đó, mỗi lúc ép cân thì em phải mặc áo mưa bên ngoài, rồi áo khoác 2 lớp bên trong. 2 ngày em giảm 2 kg, vì thầy nói chỉ thừa vài gram thôi cũng không được thi đấu”, Phượng nhớ lại.
“Mà có hôm hoa mắt quá, thầy nói ráng chịu vậy là lại cắn răng. Căn bản là em cũng ham ăn cơ. Mà em ít chịu ăn hoa quả lắm, toàn ăn mấy thứ đồ vặt, tăng cân dễ sợ”. Hỏi Phượng chuẩn bị gì cho giải sắp tới ở Malaysia, cô gái 32 tuổi nói tỉnh bơ: “Thì tới đâu hay tới đó thôi. Em cũng đâu có biết đối thủ của mình như thế nào đâu, cũng nghe thầy nói là Trung Quốc, Iran và Nigeria mạnh lắm nhưng em cũng đâu có biết họ đẩy được bao cân mà quan tâm…”.
Đại hội kết thúc, Linh Phượng sẽ quay trở lại với công việc ở công ty, dùng đôi tay cử 93kg như bỡn “vần vò” những miếng sơn mài. Công việc với mức lương 2 triệu/tháng này dẫu sao vẫn… ổn định hơn khi đẩy xe lắc đi làm móng tay dạo. “Không còn 7 triệu/tháng tiền tập huấn trước giải thì tính sao giờ em?”, tôi hỏi Phượng. Câu trả lời, “rất Phượng”: “Thì tới đâu, tới đó thôi”.
Một tin vui cho các tuyển thủ người khuyết tật Việt Nam cũng như cả Đông Nam Á khi Ủy ban Thể thao Người khuyết tật quốc tế (IPC) đã quyết định các VĐV có thành tích đạt và vượt chuẩn Paralympic 2016 của 3 môn điền kinh, cử tạ, bơi sẽ được đưa vào danh sách chính thức tới Brazil tranh tài vào năm tới. Hiện tại, Việt Nam đã có 5 suất dự tranh Paralympic (3 của cử tạ, 2 của bơi) và phấn đấu có khoảng 12-15 đại diện. Mục tiêu của thể thao người khuyết tật Việt Nam là sẽ lần đầu tiên giành huy chương tại Đại hội, với một vài gương mặt đang có thành tích ở nhóm hàng đầu thế giới như Nguyễn Thị Bích Như, Võ Thanh Tùng (bơi), Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ).