Đội trẻ bỏ giải, đội lớn xuống hạng
Trước vòng 2 giải VĐQG đúng 1 tháng, giải trẻ CLB toàn quốc – cuộc đấu dành riêng cho tuyến trẻ của các đội bóng tham dự giải VĐQG - đã diễn ra, với sự vắng mặt của các cầu thủ trẻ đội nữ Phòng không Không quân. Và một sự vụ bi hài nhất trong năm của bóng chuyền đã bắt đầu từ đây, khi việc đội trẻ Phòng không Không quân bỏ giải đã khiến cho đội “lớn” của họ sẽ bị đánh tụt hạng.
Lý do bởi đội bóng này đã vi phạm quy định mà tất cả các CLB đều thống nhất áp dụng, được đưa vào Điều lệ giải VĐQG. Theo đó, “Kể từ năm 2010, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ tổ chức giải trẻ CLB toàn quốc dành riêng cho các VĐV trẻ của 24 đội nam, nữ đang thi đấu tại giải VĐQG. Đến năm 2012, nếu không CLB nào không có đội tham dự giải này, đội 1 sẽ bị trừ 2 điểm trong tổng điểm đạt được ở giải VĐQG. Đến năm 2015, nếu không có đội trẻ, đội 1 sẽ phải xuống hạng A”.
Có nghĩa là ngay khi giải VĐQG mới chỉ bước vào lượt về vòng đấu bảng, Phòng không Không quân đã chắc chắn phải xuống hạng. Theo thông tin từ hậu trường, do chủ trương của thể thao quân đội không còn “nuôi” một số đội bóng chuyền của ngành, trong đó có Phòng không Không quân, nên đội bóng này đã “buông xuôi” vì đã biết trước số phận của mình. Động thái rõ nhất là việc đội cố tình bỏ giải trẻ CLB toàn quốc.
Đã xuống hạng vẫn đấu như thường
Chuyện đội trẻ bỏ giải, đội lớn xuống hạng với Phòng không Không quân không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, vô cùng tréo ngoe bởi thay vì bị xử lý kỷ luật ngay, đội bóng quân đội vẫn tiếp tục được (hay phải) thi đấu nốt lượt về giải VĐQG rồi mới chia tay hạng đấu cao nhất này.
Và giới chuyên môn, đặc biệt HLV của một số đội bóng cùng bảng với Phòng không Không quân đã sớm nêu ra một vấn đề “nóng”: Việc một đội bóng đã chắc chắn xuống hạng vẫn tiếp tục tranh tài theo kiểu thủ tục có thể mang tới những hậu quả tệ hại cho giải. Thứ nhất, Phòng không Không quân có thể chơi thiếu tích cực, thậm chí không loại trừ cả nguy cơ nhường điểm. Thứ hai, nếu họ vẫn trụ hạng căn cứ vào thành tích của mùa giải 2015, đẩy 2 đội khác xuống hạng, BTC sẽ xoay sở như thế nào bởi mùa 2016 trên danh nghĩa có tới 3 đội xuống hạng?
Trong khi các nhà quản lý và chuyên môn tranh cãi nảy lửa, Phòng không Không quân vẫn di chuyển vào TP.HCM dự tranh lượt về giải VĐQG như thường. Đơn giản vì ngoài việc vi phạm quy định bỏ giải trẻ, phải xuống hạng ở mùa giải tới, họ hoàn thành đầy đủ các thủ tục để tham dự, đơn giản nhất như đóng lệ phí cho BTC.
Quan trọng nhất, trong điều lệ của giải VĐQG cũng như các văn bản quy phạm liên quan, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không hề có một nội dung nào về phương án xử lý cụ thể khi một CLB bỏ giải trẻ, phải xuống hạng. BTC không có bất cứ cơ sở nào để truất quyền thi đấu của Phòng không Không quân. Đó rõ ràng là một lỗ hổng lớn, xuất phát từ sự chủ quan và hời hợt của những người có trách nhiệm.
Rất may cho BTC giải, tình huống quá khó ấy cuối cùng đã lại được chính Phòng không Không quân giải quyết bằng chính một màn trình diễn tồi tệ của một đội bóng vốn đã thuộc diện yếu nhất lại cạn kiệt động lực. Họ đã toàn thua cả 5 trận lượt về vòng bảng, rồi thua nốt cả 3 trận ở vòng đấu xác định 2 suất xuống hạng. Như ví von của dân bóng chuyền, đội bóng quân đội đã chấp nhận tới 2 lần xuống hạng. Không đội nào tại giải phải chịu hậu quả từ Phòng không Không quân, song câu hỏi đội bóng đã chắc chắn phải xuống hạng còn thi đấu làm gì hãy còn nguyên tính thời sự.