Những cô gái sexy mà mạnh mẽ, tiếng hô cổ vũ, những cú nhào lộn trên không tưng bừng như làm xiếc - vốn tưởng chừng như chỉ có trong những bộ phim về giới trẻ nước ngoài hay tại những trận đấu bóng rổ, bóng chày kinh điển - lại hiện hữu một cách tuyệt vời tại chung kết cuộc thi Nhảy cổ vũ lần thứ 1 toàn quốc dành cho các bạn sinh viên khắp mọi miền Tổ quốc diễn ra sôi động vào những ngày đầu tháng 12 tại NTĐ quận Tân Bình (TP.HCM).
Bừng bừng sức trẻ
HLV trưởng Đội tuyển Aerobic Việt Nam nhiều năm nay, anh Trần Việt Hoàng, cũng là một trong 3 thành viên BGK của cuộc thi cho biết: “CheerDance hay CheerLeading hay Nhảy cổ vũ là một loại hình thể thao hiện đại. Nó được sáng tạo bởi các sinh viên trường Đại học Princeton ở Mỹ. Chính vì là môn thể thao hiện đại, nó có sự kết hợp tinh tuý của rất nhiều bộ môn nghệ thuật như: Aerobic, vũ đạo, nhào lộn, xiếc, xếp tháp và cảm thụ âm nhạc, đặc biệt dành riêng cho giới sinh viên, học sinh. Những cuộc thi Nhảy cổ vũ giao lưu giữa các trường đại học trên khắp châu Á hay thế giới đã diễn ra thường xuyên và nay, nó đã trở thành món ăn tinh thần mới của sinh viên Việt Nam”.
Quả thật, tôi chưa từng thấy môn thể thao nào lại hấp dẫn các bạn trẻ đến vậy. Từ các vòng đấu loại khu vực miền Nam, miền Bắc, miền Trung đến trận chung kết, không khi nào khán đài còn chỗ trống. Dù có những đội tuyển hết sức non trẻ, kỹ thuật còn chưa đa dạng đến những đội tuyển nhiều nhân tài, các khán giả luôn bị bùng nổ trước những màn trình diễn máu lửa, sức trẻ và sự sáng tạo liên tục của các bạn sinh viên - VĐV ở từng vòng thi. Những cú hất người, bay trên không, nhảy đồng đội, tiếng nhạc mạnh mẽ, tất thảy làm bừng lên sức sống tuổi thanh xuân.
Nguyễn Việt Bảo - thành viên đội tuyển vô địch giải đấu năm nay - đội Cheerleading trường Đại học quốc tế IU cho biết: “CLB chúng em được thành lập từ rất lâu và tham gia nhiều giải đấu cho sinh viên nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu chúng em đoạt ngôi vô địch một cách thuyết phục tuyệt đối như vậy. Đó là kết quả của nỗ lực, phấn đấu, nước mắt và cả máu của cả đội trong quá trình tập luyện.
Cheerleading thực sự là môn thể thao của sinh viên, của tuổi trẻ, là tất cả những kỷ niệm, nhiệt huyết, sự tỏa sáng của chúng em ở đại học ngoài những lúc học hành vất vả”.
Thủy Tiên, CĐV của trường Đại học Tôn Đức Thắng, đội về Nhì giải đấu năm nay tỏ ra tiếc nuối: “Đội trường em đã nỗ lực hết mình rồi. Thế nhưng phải tâm phục khẩu phục với IU. Họ chẳng khác gì những VĐV chuyên nghiệp cả khi rất sáng tạo và có kỹ thuật tuyệt vời”.
Phong trào lan tỏa
Hơn 2 năm sau khi xuất hiện và phát triển, Việt Nam đã mời đại diện Liên đoàn Nhảy cổ vũ quốc tế đến tổ chức các khóa đào tạo HLV, để các bạn sinh viên tập luyện khoa học, bài bản hơn; hạn chế tối đa những chấn thương không đáng có.
Năm 2012, lần đầu tiên Lớp tập huấn bộ môn Cheerleading (Đồng diễn & Cổ vũ) do Liên đoàn Cheerleading thế giới - ICU đã đến Việt Nam và nay thì sự kiện này diễn ra 2 năm một lần với sự tham gia nhiệt tình của không chỉ các HLV, giáo viên mà cả những HLV tự do yêu thích Cheerleading Việt Nam.
Các HLV đến từ ICU đã hướng dẫn cụ thể cho các đội, từ phát hiện và nhận biết những nguy cơ có thể dẫn đến mất an toàn khi tham gia bộ môn này của các VĐV không chuyên; đến các động tác cơ bản của Cheerleading; những động tác nhảy phối hợp với chuyển động của đôi tay; các kỹ thuật mạo hiểm và đẹp mắt (tung hứng và bay). Cuối cùng là sự chuẩn bị hoàn hảo cho màn kết thúc đẹp và hoành tráng nhất của Cheerleading: Dựng tháp người tạo hình Kim tự tháp.
Đến nay, đã có hàng trăm CLB Cheerleading ở các trường Đại học trong toàn quốc. Cá biệt là ở các trường THPT có phong trào văn thể mỹ mạnh như Hà Nội - Amsterdam, Việt Đức... cũng có CLB và họ chính là những hạt nhân quan trọng ở các trường đại học trong tương lai.
Bạn Thanh Phong, sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Phong trào Cheerleading của trường em khá mạnh, đã trở thành môn thể thao truyền thống. Các đợt tuyển quân của CLB rất công phu. Không phải ai cũng có thể tập được đâu, mà nếu có vào đội rồi cũng không nhiều người duy trì được lâu nếu không có đam mê. Em rất thích nhưng chỉ dám ngắm thôi, nhìn các bạn nhảy múa mà em cũng chỉ muốn “điên cuồng” cổ vũ. Mọi trận đấu bóng đá, bóng rổ của trường, các bạn ấy đều tham gia cổ động”
Không phải… trò đùa
Đây thực sự là một môn thể thao mạo hiểm. Bạn phải chuẩn bị đầy đủ tâm lý và thể lực để tham gia. Nếu bạn học múa hay tập khiêu vũ từ nhỏ hay tập Aerobic, thể dục dụng cụ đó chính là thuận lợi của bạn khi tham gia CLB Cheerleading. Những động tác xoạc mạnh mẽ không dành cho những người ít tập thể thao. Thậm chí, nhiều bạn dù rất cố gắng song cũng khó hoàn thành, thậm chí gây rách cơ háng. Dù đây chính là một động tác cơ bản trong Nhảy cổ vũ.
Những động tác khác cũng rất nguy hiểm như bay (fly) thì không dành cho những cô gái yếu tim, hạn chế về tiền đình.
Quan trọng hơn hết của môn thể thao này chính là tính đồng đội. Các thành viên trong đội phải học cách tin tưởng nhau tuyệt đối, bảo vệ nhau bằng mọi giá, có trách nhiệm với từng động tác của chính mình. Chỉ một động tác sai hỏng cũng đủ để cả đội chấn thương và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Nếu chỉ tập cho vui, bạn có thể tham khảo các bài tập trên mạng. Nhưng nếu nâng cao và tập luyện để thi đấu, các CLB nên mời HLV để đảm bảo an toàn tối đa và có được những bài thi vừa sáng tạo vừa an toàn vừa có độ khó cao.
Như mọi môn thể thao, bạn cần có sự hướng dẫn, ít nhất là về cơ bản, để có thể tham gia Cheerleading. Tập luyện tự phát sẽ khiến bạn tự đặt mình vào nguy cơ chấn thương nặng.