“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.
Tiết mùa thu, ngồi trong bóng cây, ngồi trên thuyền câu hay đứng giữa trời cũng chẳng đồ mồ hôi lưng. Đời thảnh thơi, trời trong xanh, gió mát lành, ôi chao là sướng. Có khổ ải, mệt mỏi gì cũng tan biến cả. Chao ôi là mùa thu.
Miền Bắc – Câu cá hồ Tây, sông Cả
Thực ra ở đâu có nước, một chiếc hồ nhỏ, rạch nước trong, đầu sông, đầu suối… đều có thể câu cá cả. Ở đâu có cá đều là thiên đường của dân câu.
Vì vậy mà Chủ tịch Hiệp hội câu cá Việt Nam, ông Nguyễn Viết Chức từng cảm thán, chắc chả ở đâu như Việt Nam, hội viên tự do đông nhất thế giới. Quả thật, từ cụ già đến đứa trẻ, đều có thể là những cần thủ tuyệt vời, không phân biệt tuổi tác và giới tính.
Thế nhưng, để trở thành một thú chơi thực, thì người Thủ đô vẫn thích câu ở Hồ Tây nhất. Đây là địa điểm của dân câu truyền thống, tự làm mồi, tự mài lưỡi câu, cần bằng tre, trúc. Câu để thấy đời sao mà tao nhã, giản dị. Thời tiết, trời mây sao mà thanh thản. Nước hồ Tây sao mà xanh thế.
Dân chơi câu cá lại khác. Câu ở nhiều khúc, đoạn sông Hồng (sông Cả), rình câu cá lớn, thi gan với “quái vật của dòng sông”, đọ thiết bị câu tân tiến, có khi cắm cần lúc nửa đêm về sáng. Câu được cá vài chục cân cũng là thường. Nhiều khi lại còn “kén”, muốn đi câu Anh Vũ, cá Chiên, cá Lăng thì phải câu bằng được, nếu câu được loại khác, coi như thất bại.
Nhưng dù ở trường phái tao nhã hay trường phái hiện đại thì việc đợi chờ một cái nháy để thỏa mãn niềm vui vẫn chung một cảm xúc.
Nhưng cái thú đơn độc, lặng lẽ, một mình một cần giờ đã không còn như xưa. Sauk hi Hiệp hội câu cá được thành lập, nhiều giải câu cá tầm cỡ quốc gia, quốc tế đã diễn ra, thị trường cần cầu, mồi câu, hồ câu nở rộ. Chưa bao giờ các cần thủ lại “sướng” như vậy. Cần câu không phải vót, lưỡi câu chẳng phải mài, mồi câu chẳng phải lọ mọ rang thính, đào trùn. Nếu không biết câu thì đi học câu cá. Nhiều cần thủ giỏi có tiếng còn mở lớp dạy câu nữa. Mọi kiến thức được tích lũy bằng kinh nghiệm cá nhân đều được chia sẻ thoải mái. Tra google là ra hết. Nào là làm mồi câu cá rô như thế nào, câu cá chép phải nhìn tăm bọt ra sao…
Thời đại thay đổi, người câu cá cũng đổi thay
Ông Trần Minh Thi, 60 tuổi, nhà ở phố Võng Thị, Tây Hồ, Hà Nội, thường xuyên đi câu ở Hồ Tây, nơi mà từ tuổi thơ đến khi về già, ông luôn cùng bạn bè là những tay câu lão làng theo trường phái cổ xưa như cụ Tam Nguyên Yên Đổ vậy. Đi câu cho vui thôi. Trời thu, mát mẻ mới đi vì giờ đây, đi câu đâu phải vì ham bắt cá.
Giữa chiều hè oi ả, trên con đường Thanh Niên lộng gió, một bên là hồ Tây, một bên là hồ Trúc Bạch, rất nhiều cụ già, thanh niên vừa tỉ mẩn bóp thính câu nhưng tịnh chẳng nói tiếng nào. Câu cá là phải im lặng tuyệt đối. Gần như là một loại Thiền vậy. Đem lại sự tĩnh tâm cho con người.
Dân chơi câu cá sông, cá to, cá hiếm thì lại khác. Họ không thưởng thức sự tĩnh tại mà thưởng thức sự thử thách. Họ sẵn sang đầu tư mua một chiếc cần câu giá cả ngàn đô la Mỹ cũng không tiếc nếu đã thích. Cứ bất cứ khi nào có “đặc tình” gọi điện thông báo là họ lên đường đến đầu nguồn, nhánh lớn, khúc lớn sông Hồng để câu những chú cá hiếm, lạ.
Đó là hai thái cực “si cá” của những cần thủ đam mê. Còn phần lớn, đều là những tay mơ, câu cá cho vui, họ là khách hàng của hàng loạt các khu sinh thái được mọc lên ở Long Biên, Gia Lâm và một số vùng ở ngoại thành Hà Nội. Ở đó, già trẻ lớn bé, học sinh, sinh viên, doanh nhân, công nhân viên chức… lũ lượt sắm cần, sắm máy quay tay, sắm phao điện để đi câu.
Miền Nam, câu cá chốn U Minh, đất rừng phương Nam
Rừng U Minh thượng có diện tích hơn 8.000ha ngập mặn, là nơi tuyệt vời để cá đẻ và sinh sống mà không có nhiều khắc nghiệt thiên nhiên. Nhưng chỉ có khoảng 500ha là mặt nước trống để du khách vào câu cá giải trí. Khách đến nhiều nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ, thành phố Rạch Giá… đa số đến vào 2 ngày cuối tuần. Họ chỉ được câu thủ công nên mỗi người có “sát cá” đến mấy cũng chỉ câu được vài ba cân cá trong ngày mà thôi.
Rừng ngập mặn U Minh là một địa điểm tuyệt vời của các cần thủ phương Nam. Do diện tích quá lớn nên tất cả các cần thủ đều có chỗ cho riêng mình.
Rất nhiều người yêu câu cá đến từ rất nhiều tỉnh thành tập trung tại đây, bất chấp mùa nước cạn hay mùa nước nổi.
Chỉ với kinh phí chỉ vẻn vẹn 40 ngàn đồng tiền vé thăm quan và 30 ngàn đồng tiền thuê xuồng ba lá cả ngày, một cần thủ đã có một vị trí bé nhỏ và hoàn toàn hòa nhập với thiên nhiên, tha hồ câu cá như nhà văn Đoàn Giỏi đã từng tả trong cuốn tiểu thuyết Đất rừng phương Nam.
Tiếng gió rì rào qua những rừng tràm ngập nước, tiếng cá đớp bóng lục bục gần xa, tiếng chim hót gọi đàn, tất cả hòa quyện thành một bản giao hưởng mênh mang mây nước mê đắm tâm hồn du khách.
Anh Hoàng Long cùng một nhóm 6 người từ Tp Hồ Chí Minh đến vui vẻ nói: “ Ước mơ đến rừng U Minh câu cá của tôi đã thành hiện thực. Rừng đẹp quá nhưng tiếc là do không biết nhiều thông tin nên tôi đi vào mùa khô. Chắc chắn tôi và anh em bạn bè sẽ quay lại đây vào mùa nước nổi tháng 10.”
Anh Thanh Châu, người Rạch Giá, đôi nón lá mặc áo mưa, ngồi xuồng ba lá chia sẻ: “Mỗi tuần, tôi dành thời gian một ngày để vào đây thư giãn, kể cả mùa khô lẫn mùa mưa, chả muốn đi câu ở hồ, sông nào nữa.” Điều này chẳng có gì ngạc nhiên bởi trên các diễn đàn câu cá, nhiều cần thủ đã tổng kết: “Dù những địa điểm khác cũng khá nổi tiếng như Tràm Chim, Tam Nông (Đồng Tháp), kênh rạch Cà Mau rồi rừng tràm tứ giác Long Xuyên nhưng chưa thấy ở đâu cá nhiều như rừng U Minh Thượng.”
Vì vậy, dù biết là câu mùa khô không “sướng” bằng nhưng vẫn nhiều người thích bởi vào mùa mưa, nhiều người đến câu quá, BQL không có đủ thuyền để phục vụ nên nếu không gọi điện thoại đặt trước thì cũng ngậm ngùi mà quay về. Lỡ cả chuyến câu.
Mùa thu rồi, đi câu thôi.
HOÀNG MAI HỒNG