Có những nguyên nhân nào gây ra chấn thương?
1. Việc huấn luyện dồn ép, việc sử dụng thường xuyên lượng vận động lớn với công suất cực hạn và dưới cực hạn; sự thiếu hiểu biết trong việc sử dụng các phương pháp thúc đẩy phục hồi trong và sau khi luyện tập.
2. Không đánh giá đúng ý nghĩa của việc tập luyện thường xuyên có hệ thống và tính kế thừa trong quá trình huấn luyện kỹ thuật.
3. Việc áp dụng các bài tập mà cơ thể người tập chưa có sự chuẩn bị cần thiết về thể lực hay mỏi mệt của buổi tập trước chưa được khắc phục.
4. Không áp dụng, áp dụng sai phương pháp bảo hiểm; khởi động không đủ hay không hợp lý (đây là nguyên nhân thường gặp).
5. Không đáp ứng đầy đủ vật chất kỹ thuật của buổi tập (có thể dẫn tới 25% các chấn thương).
6. Điều kiện khí hậu, điều kiện vệ sinh không phù hợp (là nguyên nhân của từ 2% - 6% các chấn thương).
7. Hành vi của người tập không đúng đắn (là nguyên nhân dẫn tới 5 -15% số chấn thương). Biểu hiện: Sự vội vàng, thiếu tập trung chú ý, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu đạo đức trong luyện tập và thi đấu.
Các loại chấn thương
1.Chấn thương cơ: Các cơ là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong thể thao. Có nhiều mức độ tổn thương:
- Giãn cơ: Đó là hiện tượng các sợi cơ bị kéo giãn quá mức cho phép. Khi bị chấn thương, vận động viên cảm thấy đau điếng ở vùng cơ bị chấn thương, nhưng không có bầm máu, vận động chi không bị giới hạn. Điều trị: chườm lạnh, ngưng chơi thể thao cường độ cao từ một đến hai tuần, có thể tập nhẹ.
- Căng cơ: Trong trường hợp này, có một vài sợi cơ bị đứt. Vận động viên sẽ thấy đau nhiều, khiến không thể tiếp tục vận động chi được. Sau một thời gian từ vài giờ đến một ngày, xuất hiện vết bầm tím. Điều trị: cần chườm lạnh liên tục trong vài ngày. Không xoa bóp. Cần nghỉ vận động trong 2 tuần. Sau đó có thể tập nhẹ trở lại.
- Rách cơ: Trong trường hợp này, số sợi cơ bị đứt nhiều hơn. Bầm máu xuất hiện nhanh hơn, đau cũng nhiều hơn, vận động viên hoàn toàn không thể vận động chi. Điều trị: cần chườm lạnh, tránh xoa bóp. Cần có bác sĩ chăm sóc, vì nếu rách cơ không được chăm sóc thích hợp, sẽ có khả năng vôi hóa khối máu tụ. Sau từ 8 đến 10 tuần, có thể tập nhẹ trở lại.
- Đứt cơ hoàn toàn: Trong trường hợp này toàn bộ khối cơ bị đứt hoàn toàn. Lúc này có thể quan sát thấy hoặc sờ thấy một lỗ trũng trên bề mặt chi do hai đầu cơ co rút lại. Vận động viên hoàn toàn không thể vận động chi. Điều trị: Không cử động chi bị chấn thương. Cần đưa đến bệnh viện để phẫu thuật khâu lại cơ.
.
2. Chấn thương các khớp:
Bất kỳ khớp xương nào cũng có thể bị chấn thương, từ các khớp ở chi trên, chi dưới cho đến các khớp ở cột sống.
Có nhiều mức độ tổn thương:
- Bong gân: là hình thức chấn thương khớp nhẹ nhất. Một số sợi của dây chằng bao khớp bao quanh khớp bị đứt. Vận động viên thấy sưng và đau vùng khớp bị chấn thương, tuy nhiên vẫn cử động khớp được nhưng bị giới hạn do đau. Cần chườm lạnh vùng khớp bị chấn thương và ngưng tập luyện trong vài tuần.
- Trật khớp: hai đầu xương của khớp bị trật hoàn toàn ra khỏi nhau. Lúc này vùng khớp bị chấn thương bị biến dạng và hoàn toàn không thể cử động được. Cần cố định vùng chi bị chấn thương và khẩn trương đưa ngay đến bệnh viện để xử trí cấp cứu.
3. Chấn thương xương:
- Chạm thương xương: xương bị chấn động nhưng chưa đến mức gãy xương. Chỉ cần chườm lạnh vài ngày là có thể quay lại tập luyện.
- Gãy xương: vùng chi bị chấn thương bị biến dạng, đau dữ dội, hoàn toàn không thể cử động chi được. Cần cố định chi bị gãy và đưa ngay đến bệnh viện để xử trí cấp cứu.
Chương trình được thực hiện với sự hợp tác tư vấn của chuyên gia đến từ CÔNG TY CỔ PHẦN TRAPHACO Trụ sở: 75 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam | Địa chỉ giao dịch: Ngõ 15, Đường Ngọc Hồi - P.Hoàng Liệt - Q.Hoàng Mai - Hà Nội ĐT: 18006612 - Fax: (04) 36815097 | E-mail: [email protected]