Bóng đá - Kẻ thù của bộ não (Bài 3): Nguy hiểm rình rập

thứ sáu 3-6-2016 21:49:57 +07:00 0 bình luận
Những trái bóng thi đấu đạt tiêu chuẩn FIFA ngày nay được cải tiến rất nhiều, nhưng liệu nó có an toàn cho cầu thủ khi thực hiện những pha đánh đầu?

Những trái bóng thi đấu đạt tiêu chuẩn FIFA ngày nay được cải tiến rất nhiều, nhưng liệu nó có an toàn cho cầu thủ khi thực hiện những pha đánh đầu?

Trái bóng hiện đại cũng không an toàn

Tiền đạo Jeff Astle chết vì chấn thương mãn tính ở não (CTE), hệ quả của những pha không chiến trên sân cỏ nước Anh thập niên 1960 và 1970.

Thời cựu tiền đạo lừng danh của West Brom và ĐT Anh còn thi đấu, trái bóng làm băng da thật, nặng và thấm nước nên mỗi khi đánh đầu, não của những cầu thủ như Jeff Astle dễ bị ảnh hưởng.

Nhưng từ cuối thập niên 1970, các nhà sản xuất trái bóng liên tục cải tiến, da thật được thay thế bằng các chất liệu tổng hợp nhẹ, không thấm nước ngay cả thi đấu dưới trời mưa. Trái bóng hiện đại ngày nay theo tiêu chuẩn FIFA trọng lượng chỉ vào khoảng 397 - 453 gram.

Trái bóng hiện đại cũng không an toàn với cầu thủ khi đánh đầu

Trái bóng hiện đại cũng không an toàn với cầu thủ khi đánh đầu

Vậy trái bóng siêu nhẹ ngày nay (so thời Jeff Astle) có an toàn cho não bộ cầu thủ? Để trả lời cho câu hỏi này, Eric Nauman - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chấn thương con người và Phòng thí nghiệm Công nghệ tái sinh, Trường Đại học Purdue (Mỹ) cùng các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Đối tượng nghiên cứu của nhóm Eric Nauman là các cầu thủ bóng đá nữ của Mỹ và các đội bóng cấp trung học ở Mỹ trong suốt 1 mùa giải. So với những cầu thủ nam chuyên nghiệp, đối tượng nghiên cứu của nhóm Nauman ít sử dụng đánh đầu hơn.

Mỗi cầu thủ nữ trong đối tượng nghiên cứu được gắn một thiết bị xPatch nhỏ sau tai để đo về những chuyển động của bộ não mỗi khi họ thực hiện một cú đánh đầu có lực G trên 20. Các cầu thủ trong nhóm đối tượng nghiên cứu thường xuyên thực hiện những cú đánh đầu trong khoảng từ 50-100G, tương đương tác động của một cú đấm quyền Anh hay va chạm giữa những cầu thủ bóng bầu dục Mỹ.

Eric Nauman cho biết: “Sau khi quét MRI, chúng tôi nhận thấy sau mỗi cú đánh đầu, mạch máu của cầu thủ đều bị tổn thương. Tổn thương này có thể chữa lành nhưng cần phải nghỉ ngơi. Nhưng trên thực tế thì chẳng có cầu thủ nào nghỉ ngơi sau chỉ một cú đánh đầu”.

Đánh đầu hại não thế nào?

Các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Purdue cũng đã so sánh não của cầu thủ bóng đá với những VĐV bơi lội. Kết quả so sánh cho thấy, các kình ngư (do đặc thù không va chạm phần đầu) não hoàn toàn bình thường, trong khi đường sợi chất trắng trong bộ não của giới cầu thủ bất thường.

Tế bào thần kinh truyền tải thông điệp của chúng đến các tế bào thần kinh khác thông qua các đường sợi hoặc sợi trục thần kinh nên nếu não bị tác động mạnh, các đường sợi có thể thị gián đoạn, dẫn đến tổn thương não.

Một cú phát bóng lên của thủ môn có thể đạt đến 150 hoặc 160 lực G.

Một cú phát bóng lên của thủ môn có thể đạt đến 150 hoặc 160 lực G.

Thí nghiệm nói trên của nhóm Eric Nauman tiến hành trên các cầu thủ nữ và học sinh trung học. Vậy còn những cú đánh đầu của những cầu thủ nam chuyên nghiệp tầm cỡ Premier League? Nauman quả quyết: “Tôi cược rằng, một cầu thủ đánh đầu từ một cú phát bóng lên của thủ môn có thể đạt đến 150 hoặc 160 lực G. Thường xuyên thực hiện những cú đón bóng bằng đầu như thế rất nguy hiểm. Nó có thể là thứ vũ khí giết bộ não từ từ”.

Cũng theo nghiên cứu của người Mỹ, 79% những người từng chơi bóng đá (từ cấp trung học) dính chấn thương mãn tính ở não (CTE) do lặp đi lặp lại những cú đánh đầu hay chấn thương ở đầu. Con số của những cựu cầu thủ NFL còn đáng báo động hơn nhiều, khi có tới 96% dính CTE.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm