Bóng đá làm tổn thương bộ não của con người, gây ra cái chết sớm cho hàng loạt cựu cầu thủ. Vậy ai phải chịu trách nhiệm?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Bóng đá là tình yêu của Jeff Astle và thứ tình yêu này đã hành hạ ông trong những năm tháng cuối đời, đã biến bộ não của ông - một người 59 tuổi thành bộ não của một ông lão tuổi 89.
Những cú đánh đầu cũng được cho là nguyên nhân khiến cho phân nửa những cầu thủ còn sống của thế hệ ĐT Anh vô địch World Cup 1966 phải chống chọi với những căn bệnh về não và trí nhớ. Ở nước Mỹ thì theo con số của Đại học Boston, 79% cựu cầu thủ bị chấn thương mãn tính ở não (CTE) - hệ quả của những pha va chạm bằng đầu hoặc đánh đầu.
Tiến sĩ Michael Grey - nhà sinh lý học thần kinh của Trường Đại học Birmingham thậm chí còn cho rằng, bóng đá có hại với não bộ của người chơi chẳng kém gì so với thuốc lá có hại cho phổi của con người. Và tiến sĩ Grey cho rằng: “Cũng giống như thập niên 1950, con người vẫn chủ quan khi đánh giá về tác hại của những cú đánh đầu tới não của cầu thủ. Tôi ngạc nhiên khi cho đến ngay nay, FIFA, FA, PFA vẫn chưa đầu tư nghiên cứu độc lập về vấn đề này?”.
Từ năm 2002, gia đình Jeff Astle đã liên lạc với hàng trăm gia đình khác có hoàn cảnh tương tự để cùng nhau yêu cầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm như FA, FIFA làm rõ về nguyên nhân cái chết của những cựu cầu thủ như Jeff Astle nhưng đều không nhận được sự hợp tác thực sự.
Bà Dawn Astle - con gái của Jeff Astle bức xúc cho biết: “Cha tôi và rất nhiều cầu thủ khác chết vì bóng đá, nhưng họ cố tình thay đổi nguyên nhân của cái chết, để phủi trách nhiệm. Không ai trong thế giới bóng đá muốn tìm hiểu sự thật rằng, bóng đá là một kẻ giết người”.
Trẻ con không nên… đánh đầu
Tiến sĩ Willie Stewart, Trường Đại học Glasgow lên tiếng kêu gọi các cá nhân, các tổ chức trong xã hội có thể và nên tiến hành các cuộc nghiên cứu độc lập về vấn đề tác động khủng khiếp của bóng đá đối với bộ não của con người.
Thực tế thì đã có nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu về vấn nói trên như gia đình Jeff Astle hay Trung tâm Nghiên cứu chấn thương con người và Phòng thí nghiệm Công nghệ tái sinh (Trường Đại học Purdue). Nhưng mỉa mai ở chỗ, các cơ quan quản lý bóng đá nổi tiếng như FA, UEFA, FIFA… vẫn chưa tiến hành nghiên cứu độc lập. Nói như bà Dawn Astle: “FIFA rất thờ ơ với những nguy cơ về bệnh não của cầu thủ. Nó cũng giống các công ty thuốc lá thờ ơ với sự nguy hiểm của thuốc lá”.
Phải tới tháng 11 năm ngoái, sau hàng loạt trường hợp cầu thủ bị choáng váng do va chạm ở vùng đầu, FA mới ban hành quyết định về việc cầu thủ phải dừng thi đấu, nghỉ tập luyện ngày hôm sau nếu bị tổn thương phần đầu. Với những cầu thủ bị chấn động não, họ cần nghỉ ngơi ít nhất 19 ngày và với cầu thủ trẻ là 23 ngày.
Còn các nhà khoa học thì khuyên rằng, các cầu thủ trẻ ở lứa từ U.14 trở xuống không nên đánh đầu. Bởi ở những lứa tuổi này, các tế bào thần kinh của trẻ em rất yếu, dễ dàng tổn thương từ những cú đánh đầu, dẫn đến hệ lụy nguy hiểm về lâu dài cho bộ não.