+ Câu hỏi: Tôi chuẩn bị tập thể hình nhằm rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng hình thể nhưng được biết nếu không tập luyện đúng cách có thể phản tác dụng, thậm chí dính chấn thương nặng. Xin bác sỹ tư vấn về cách thức phòng chống chấn thương trong môn thể hình (Độc giả Lê Tiến Dũng từ địa chỉ Dung.Le &…)
+ Bác sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Thể hình là một loại hình rèn tập ngày càng phổ biến, đặc biệt với đối tượng là các thanh - thiếu niên nam. Tuy nhiên đây cũng là môn có nguy cơ chấn thương rất cao, một phần vì đặc thù của thể hình, phần quan trọng hơn do rất nhiều người tập đều không có kiến thức và sự chuẩn bị cần thiết.
Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến chấn thương trong thể hình, như thiếu tập trung khi tập luyện, khởi động không kỹ, tạ quá nặng, tập sai tư thế, bài tập hay dụng cụ thiếu tiêu chuẩn, hay đơn giản là dinh dưỡng không đủ… Xin lưu ý rằng nguyên nhân chính lại đến từ việc sai động tác và kỹ thuật, chứ không phải do trọng lượng tạ và tốc độ tập.
Trong đó, rất nhiều người mắc phải lỗi rất cơ bản và sơ đẳng là xốc mạnh và giật tạ lên mà không chú ý gì tới kỹ thuật. Điều đó đã tạo nên áp lực lớn lên dây chằng và sụn, có thể dẫn tới các chấn thương ngực.
Cho nên để phòng chống chấn thương, trước hết bạn cần phải tập luyện đúng kỹ thuật mọi lúc mọi nơi, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, để có được một sự phù hợp và hiệu quả cao, từ khâu khởi động, dụng cụ và dạng bài tập, trọng lượng tạ và tốc độ nâng, chế độ dinh dưỡng…
Khi tập luyện, bạn cũng cần lắng nghe phản ứng từ chính cơ thể mình với nguyên tắc bộ phận cơ thể nào cảm thấy đau đớn hay có dấu hiệu bất thường cần lập tức dừng tập để nghỉ ngơi, hồi phục.
Trong trường hợp dính chấn thương ở mức độ nhẹ, đơn cử như hiện tượng đau đớn hay sưng tấy, bạn có thể thực hiện biện pháp chườm đá nhằm giúp cho các tế bào vùng chấn thương không tiếp tục bị sưng tấy. Bạn bỏ đá vào túi, đặt nó lên vùng chấn thương từ 10 đến 15 phút, và lặp lại vài lần mỗi ngày. Bạn cần phải nghỉ ngơi khoảng vài tuần hay 1 tháng để chấn thương hồi phục hẳn rồi mới có thể tập luyện trở lại, và cũng chỉ nên bắt đầu với mức tạ nhẹ và nâng cao dần.
Với các chấn thương nặng, hay chấn thương tưởng như nhẹ nhưng sau cả tháng không hồi phục hoàn toàn dù đã nghỉ ngơi, cũng như áp dụng các biện pháp như chườm đá, bạn cần phải tìm đến các bác sỹ chuyên ngành để biết được chính xác tình trạng và tư vấn điều trị.
Theo các kết quả nghiên cứu, với các chấn thương nặng, kể cả khi đã hồi phục hoàn toàn, bạn cũng chỉ nên bắt đầu với 3 lần tập mỗi tuần, với mức tạ bằng 10% bình thường. Trong khoảng 4 tuần đầu, bạn cũng chỉ nâng thêm 10% khối lượng tập luyện mỗi tuần.