Cách điều trị, hồi phục viêm gân gót cổ chân

thứ hai 18-1-2016 22:31:47 +07:00 0 bình luận
Bác sỹ Nguyễn Văn Phú - PGĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam tư vấn về cách điều trị, hồi phục với chấn thương viêm gân gót cổ chân.

+ Câu hỏi: Tôi năm nay 46 tuổi và mới bị viêm gân gót cổ chân khi chơi quần vợt. Xin bác sỹ tư vấn về cách điều trị hồi phục.  (Độc giả Nguyễn Văn Hoàn, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ).

+ Bác sỹ Nguyễn Văn Phú - PGĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam:

Bác sỹ Nguyễn Văn Phú

Có thể thấy, trường hợp của bạn là một điển hình cho chấn thương viêm gân gót cổ chân thường xảy ra ở lứa tuổi trung niên, chơi một môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động cao, hay phải chạy nhảy như quần vợt.

Các tình huống chủ yếu dẫn đến viêm gân gót cổ chân gồm: Đột ngột tăng khối lượng hay cường độ vận động trong thời gian ngắn khiến gân gót không kịp thích ứng; đang bị căng cơ bắp chuối kèm theo đồng thời một khối lượng vận động lớn sẽ tạo thêm áp lực lớn vào gân gót; gai xương gót chân mọc đâm vào gân gót.

chấn thương

Một số đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao có thể kể đến như: Nam giới tuổi trung niên; Người có bàn chân kiểu dẹt, người béo phì, có bệnh tiểu đường hay cao huyết áp.

Hầu hết các trường hợp viêm gân gót cổ chân có thể tự điều trị không cần phẫu thuật. Các cách điều trị chủ yếu làm giảm đau và giảm sưng gồm:

+ Giảm hay thậm chí bỏ hẳn các vận động tác động trực tiếp lên gân gót đang bị viêm. Bơi lội hay đạp xe cũng là cách duy trì sự tập luyện sức khỏe những không tạo lực mạnh tác động trực tiếp lên gân gót.

+ Chườm đá theo cách gián tiếp lên vùng gân gót bị sưng. Mỗi lần chườm có thể kéo dài đến 20 phút hay khi da đã bị tê. Có thể lặp lại việc chườm đá suốt cả ngày.

chấn thương

+ Dùng các thuốc kháng viêm không có steroid, với điều kiện phải tham khảo ý kiến bác sỹ, nhất là những trường hợp sử dụng thuốc trên 1 tháng.

+ Tập căng cơ bắp chuối: Hai tay chống vào tường với một chân duỗi thẳng gối, gót đặt sát sàn. Chân còn lại bước tới trước, hơi khuỵu gối. Để căng cơ bắp chuối, đẩy hông ra trước, chậm chạp hơi khuỵu gối xuống một chút nữa. Giữ nguyên tư thế đó 10 giây, sau đó trở về tư thế nghỉ (vẫn chân trước chân sau không gắng sức). Lặp lại động tác 20 lần cho mỗi chân.

+ Tập nâng gót hai chân: Đứng ở ngoài bìa của bậc thang (nửa bàn chân trong bậc thang, nửa bàn chân ở ngoài) hoặc, đứng như vậy ở một bậc cao. Tay vịn vào tay thang để giữ thăng bằng. Nhấc hai gót để nâng thân mình lên, rồi lại hạ xuống thấp đến mức có thể được. Lặp lại động tác 20 lần một cách chậm rãi. Khi cảm thấy đau nơi bắp chân và gân gót, hãy tăng độ khó bằng cách cầm thêm vật nặng nhỏ.

+ Tập nâng gót một chân: Cũng làm động tác như tập nâng gót hai chân nhưng chỉ với một chân.

+ Tiêm Cortisone (một loại thuốc kháng viêm mạnh) vào gân gót. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định và thực hiện của bác sỹ chuyên ngành.

Nếu tiến hành điều trị sớm và đúng cách, sau 3 tháng là bạn sẽ có thể bình phục hoàn toàn. Nếu điều trị muộn, có thể cần 6 tháng. Và trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc đứt dây chằng gót, điều trị phẫu thuật là cần thiết để phục hồi hoạt động gót chân.

Quý độc giả và người yêu thể thao quan tâm có thể phản hồi và đặt câu hỏi về Tòa soạn, qua số điện thoại (04) 32669666 hay địa chỉ email: [email protected].

Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật, chọn lựa và xử lý để đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất các phản ánh, câu hỏi của quý độc giả.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm