- Câu hỏi: Tôi là người hay chơi cầu lông, nhưng thỉnh thoảng gặp chấn thương về vai và gối. Xin nhận được sự tư vấn từ bác sỹ. (Độc giả Nguyễn Thiện Toán, 129 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).
- Bác sỹ Nguyễn Văn Phú (Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam):
Chấn thương vai, gối là một trong những chấn thương hay gặp khi chơi thể thao, điển hình như môn cầu lông.
Chấn thương vai có thể gặp khi bị ngã, va chạm; khởi động ít; tập luyện không đúng, quá sức… Khi bị chấn thương vai nhẹ (gây bầm tím, sưng đau, chảy máu) nên ngừng chơi, chườm đá vùng vai đau 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút và tắm nước nóng. Không nên xoa bóp dầu nóng, thuốc rượu vì càng tăng sưng nề và tụ máu bầm. Nếu vài ngày không khỏi cần đi khám bác sỹ.
Với những chấn thương cấp tính (giập, rách - đứt gân, cơ dây chằng, tụ máu phần mềm, giập vỡ sụn khớp, gãy xương, bong gân, trật khớp), không nên tự điều trị vì dễ tổn thương kéo dài, khó hồi phục, nắn sửa không đúng còn làm nặng thêm. Cần có liệu pháp chữa trị đúng cho xương lành, khớp trơn, không để lại di chứng.
Nếu chấn thương nặng (gây hạn chế chuyển động, đau khi cử động) cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa để chụp X.quang, chẩn đoán nguyên nhân và dùng thuốc đặc trị.
Đầu gối cũng hay bị chấn thương, như: Đau đầu gối, trật khớp gối, gãy xương, vỡ sụn, rách bao hoạt dịch, đứt rách dây chằng. Nếu đau đầu gối cấp thì cần nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng gạc lại. Nếu đau dai dẳng cần đi khám bác sỹ. Trật khớp, rã khớp cũng cần chườm đá, nhưng nếu sưng và đau nhiều là đã bị nặng, sau chườm đá (hay gạc lạnh) và băng nhẹ phải đưa đến bệnh viện.
Những chấn thương nặng ảnh hưởng đến xương như viêm màng xương, viêm gân, xương bị tổn thương, bị giập xương, gãy xương… thì cần phải tới bệnh viện chuyên khoa ngay.
Ngoài chấn thương vai hay gối, tôi cũng xin đặc biệt lưu ý các bạn về những chấn thương thể thao cấp tính hay gặp là căng cơ, giập gân cơ, giãn cơ - dây chằng…
Nếu chỉ giãn cơ (sợi cơ bị kéo giãn quá mức gây đau nhưng không bị bầm máu, có thể cử động nhẹ) chỉ cần chườm nước đá, thoa thuốc mỡ (có chỉ định của bác sĩ) vào vùng bị tổn thương rồi bó nhẹ là khỏi.
Nếu bị căng cơ (vài sợi cơ bị đứt gây đau nhiều), nên chườm đá liên tục nhưng không xoa bóp, sau nghỉ tập 2 tuần mới được xoa bóp và tái tập luyện.
Để phòng ngừa nguy cơ chấn thương như bạn lo ngại, trước hết cần phải tìm hiểu những kiến thức cơ bản về luật chơi, cách thức khởi động, tập luyện thi đấu, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện sân bãi…
Người chơi thể thao nghiệp dư bị chấn thương theo những cách rất đa dạng song tựu trung có 2 nguyên nhân chính là tập luyện, thi đấu quá sức và tập luyện thi đấu sai kỹ thuật, thậm chí mắc những sai sót sơ đẳng như không chịu khởi động.
Theo một thống kê đáng giật mình từ bệnh viện Thể thao Việt Nam thì có tới 80% trong số khoảng 50 bệnh nhân đến khám chữa trị chấn thương thể thao mỗi ngày là người tập luyện và chơi thể thao nghiệp dư.
Quý độc giả và người yêu thể thao quan tâm có thể phản hồi và đặt câu hỏi về Tòa soạn, qua số điện thoại (04) 32669666 hay địa chỉ email: [email protected].
Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật, chọn lựa và xử lý để đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất các phản ánh, câu hỏi của quý độc giả.