Cú sút penalty “bắn chim” của Phượng trong trận gặp Curacao lại khiến tên tuổi của anh nổi sóng. Người thì đổ lỗi cho Công Phượng về thất bại, do anh quá thích thể hiện. Người thì cảm thông, “đến Messi còn sút hỏng penalty”. Nhưng tại sao cứ phải là Công Phượng? Phải chăng là… định mệnh?
Ngay sau tình huống đá hỏng của Phượng, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn, rằng “Phượng nhiễm virus Pogba”. Tôi hiểu ý anh này nhận xét cách chạy đà của Phượng học theo ngôi sao của Manchester United là khá lề mề, thong thả. Nhưng cũng có thể là một ý khác mà có thể tôi tự đoán rằng Công Phượng đã nhiễm “virus Pogba” theo cái cái một ngôi sao: quá tự tin, thích thể hiện theo cái riêng mà cú sút bắn chim ấy có thể là hậu quả xấu của việc thích trình diễn một pha panelka điệu nghệ.
Xem đi xem lại tình huống ấy, tôi lại thấy pha sút hỏng của Phượng giống với cú sút của Zaza trong trận tuyển Italia gặp tuyển Đức ở Euro 2016, từ cách chạy đà nhón nhón cái chân rất đặc biệt, hơi lề mề một chút trước khi sút bóng và kết quả đều là lên trời. Chỉ khác ở chỗ Phượng đá chân phải còn Zaza đá chân trái.
Cuộc đời luôn vẫn thế và bạn phải chấp nhận nó để tiến lên. Công bằng mà nói, Công Phượng đã có một trận đấu tốt, trừ tình huống đá penalty nói trên. Nó cũng giống như chuyện trong 10 việc cần làm, bạn làm tốt 9 việc và chỉ hỏng 1 việc. Bạn sẽ bị phạt vì chuyện hỏng một việc nhưng rất khó hy vọng nhận thưởng 9 việc còn lại. Đúng không? Vấn đề là chúng ta bước qua nó thế nào mà thôi. Sự nghiệp Công Phượng đã quá nhiều sự ồn ào.
5 năm trước, khi còn là ngôi sao của đội U.19 Việt Nam, anh dính nghi án gian lận tuổi đến mức đài truyền hình Quốc gia còn làm vài chương trình riêng về sự kiện này. Sau đó là nghi án về chuyện tình cảm với một cô gái trẻ là ca sĩ mà bằng chứng rõ nhất là cô gái xăm tên Phượng lên ngực và cố tình nửa kín nửa hở để cho mọi người biết đến quan hệ của hai người.
Chưa hết, chuyện Phượng sang Nhật phải đi… phát tờ rơi. Chuyện Phượng đi Hàn Quốc không có nổi một bàn thắng, hay đơn giản là mái tóc nhuộm màu khói của cầu thủ này, thậm chí cả pha sút bóng của cầu thủ Thái Lan vào vùng kín của Công Phượng… đều là những chuyện ồn ào thu hút sự quan tâm.
Phượng có phải là cầu thủ hư không? Câu trả lời là không. So với lứa cầu thủ được đào tạo ở học viện bóng đá HAGL như Xuân Trường, Tuấn Anh thì Phượng không có được sự hiền hiền, lành lành ở họ. Phượng cá tính trong cuộc sống hơn và cá tính ấy đi vào cả những đường bóng của anh trên sân. Đừng nhầm lẫn cá tính với những giá trị đạo đức thông thường.
Phượng có yếu đuối không? Nhiều người lấy bằng chứng là Phượng đã khóc sau khi đá hỏng quả penalty và không đeo huy chương. Tôi nghĩ đó là giọt nước mắt của trách nhiệm nhiều hơn. Khi một người đàn ông khóc vì trách nhiệm của mình chưa hoàn thành, tôi nghĩ đó mới là người mạnh mẽ chứ không phải yếu đuối.
Phượng có tự phụ quá mức không? Ít nhất là trong pha đá penalty? Không một tài năng nào lại không có chút tự phụ trong người, vấn đề là họ thể hiện ra như thế nào mà thôi. Phượng có tài năng - điều ấy không phải bàn cãi và anh có quyền tỏ ra tự tin với chính tài năng của mình.
Bóng đá không phải là một cuộc họp, nó cần những ngôi sao với tính cách đầy đủ của họ. Những cá tính nổi bật trên sân chính là sự hấp dẫn của bóng đá, ngay cả khi cá tính ấy dẫn đến sai lầm. Mario Balotelli với thông điệp nổi tiếng "Why always me?" là một ví dụ điển hình.
Tôi thấy Công Phượng không sai gì cả. Hãy thử nghĩ mà xem, bây giờ một trận đấu của tuyển Việt Nam mà không có Phượng, thì sẽ giảm sự hấp dẫn đi rất nhiều.