Trong clip quảng cáo cho hãng xe Renault vào năm 2003, Thierry Henry liên tục nói: "va-va-voom". 15 năm sau, hàng triệu CĐV bóng đá trên khắp hành tinh bỗng lại muốn tìm hiểu xem cái từ kỳ quặc trên có ý nghĩa ra sao.
1. "Va-va-voom là gì?". Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta phải quay về năm 1954. Vào năm mà Pháp - đội bóng quê hương của Henry bị loại ngay từ vòng bảng World Cup sau khi… "va va vào" và vỡ vụn dưới tay Nam Tư cũ, từ "va-va-voom" lần đầu tiên xuất hiện dưới dạng văn bản thông qua ca khúc mang tựa đề "Va Va Va Voom" của nghệ sĩ người Mỹ Art Carney.
Một năm sau, trong bộ phim kinh điển của Hollywood là "Kiss Me Deadly", nhân vật Nick Va Va Voom đã xuất hiện để khởi động một trào lưu sử dụng từ "va-va-voom" trong nhiều lĩnh vực ở những thập kỷ kế tiếp. Cách đây độ 5 năm rưỡi, bài hát "Va Va Voom" của rapper Nicki Minaj đã vươn lên vị trí số 1 trên BXH âm nhạc tại Bỉ.
Nhắc đến Bỉ cũng là nhắc đến Thierry Henry. Đơn giản bởi, cựu tiền đạo Arsenal hiện là trợ lý HLV trưởng của đội tuyển vừa bị Pháp chặn đứng tại bán kết World Cup 2018. Chứng kiến Henry ngồi trầm ngâm trên băng ghế huấn luyện sau trận đấu căng thẳng đến nghẹt thở tại Saint-Petersburg, NHM càng cảm cảm thấy tò mò về "va-va-voom".
Nếu không quá đau buồn vì thất bại của tuyển Bỉ, Henry sẽ đáp rằng chính mình - nhờ clip quảng cáo cho hãng xe Renault - đã biến "va-va-voom", từ ý nghĩa ban đầu là tiếng nổ của động cơ, trở thành một từ mô tả sự thỏa mãn, phấn khích, gợi cảm trong từ điển Oxford.
Thierry Henry đã đưa "va-va-voom" vào từ điển Oxford
Có "Đứa con của thần gió" Henry trợ giúp, những chiếc Clio của Renault cũng chẳng được tiêu thụ "vèo vèo voom" như kỳ vọng. Tương tự, đội Bỉ của Henry cũng đã tắt máy khi đụng độ một tuyển Pháp có lối chơi an toàn, bền bỉ và tốc độ hơn hẳn chiếc Clio bé nhỏ.
Sau khi vượt qua Bỉ, Pháp đã rất chờ đợi sẽ được "va va chạm" với Anh, dân tộc không thích xài xe Renault hay Citroen nhưng lại rất khoái dùng cầu thủ đến từ bên kia eo biển Manche. Ngoài Henry, giải Premier League còn nhập khẩu vô số những ngôi sao Pháp khác, từ Sylvain Wiltord, Fabiez Barthez của quá khứ đến Oliver Giroud, Hugo Lloris, Paul Pogba của hiện tại.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã rẽ sang một hướng khác.
2. Không có ý hạ thấp Croatia, nhưng phải là Anh gặp Pháp thì mới tạo nên một phần kết xứng đáng cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Bởi Anh và Pháp không chỉ là những nền bóng đá và nền văn hóa lớn, mà họ còn có mối quan hệ vô cùng đặc biệt xuyên suốt chiều dài của lịch sử.
Kể từ năm 1066 đến lúc Henry tạo ra "va va voom", Anh và Pháp đã xảy ra tổng cộng 35 cuộc giao tranh. Ưu thế nghiêng về Anh với 23 lần giành chiến thắng. Tiếng Anh cũng phổ biến hơn tiếng Pháp. Xe hơi Anh đương nhiên là đè bẹp xe hơi Pháp. Một ly nước lọc chỉ mất 3,4 phút để được mang đến bàn của thực khách trong một nhà hàng tại London, còn thời gian tương ứng tại Paris là 17,9 phút.
Tuy nhiên, người Pháp không vì thế mà cam chịu bị sỉ nhục. Họ lấn lướt người Anh trên rất nhiều phương diện khác. Vang Pháp, đồ ăn Pháp, dịch vụ chăm sóc y tế của Pháp đều tốt nhất thế giới. Nhân loại cũng mê mệt với French Kiss và về sức khỏe tình dục thì người Pháp hoàn toàn vượt trội người Anh với bình quân 137 lần/năm so với 119 lần/năm.
Riêng bóng đá, nếu Anh hơn Pháp ở cấp độ CLB thì Pháp hơn Anh về thành tích trên bình diện ĐTQG. Thêm một điều đáng nói, đó là dẫu rất gần nhau về địa lý, Anh và Pháp lại rất hiếm khi chạm trán tại các kỳ World Cup. Họ mới vẻn vẹn 2 lần đụng độ vào các năm 1966 và 1982, với 2 lần người Anh giành phần thắng.
Về thành tích trên bình diện ĐTQG, Pháp vẫn bỏ xa Anh
Người Pháp chắc chắn đang rất tiếc khi không có cơ hội báo thù người Anh. Đội quân áo Lam càng "buồn" hơn khi mà cách đây 11 năm, tờ Telegraph đã dám bôi nhọ cái gọi là "Huyền thoại Va Va Voom" mà người Pháp rất đỗi tự hào. Tờ báo nước Anh viết rằng, dân Pháp thực tế chỉ có bình quân 19,2 phút để tiến hành màn dạo đầu trước khi "làm chuyện ấy", trong khi người Anh "vờn bóng" hẳn 22,5 phút đồng hồ.
Cuối cùng thì chẳng cần phải đợi đến trận chung kết World Cup 2018, việc ai "vờn bóng" giỏi hơn ai giữa Pháp và Anh đã có câu trả lời.
Giờ thì người Pháp đang bận ngoái lại tít tận năm 1954.
Không chỉ vì đó là thời điểm từ "va-va-voom" xuất hiện lần đầu tiên.
Đó là năm mà Pháp bị đánh bại bởi Nam Tư cũ, cái nôi của Croatia hiện nay.