U.19 mà đã như thế, trời ơi!!!

Song An
thứ tư 13-3-2019 12:00:00 +07:00 0 bình luận
Hồi đầu năm, VPF tuyên bố có thể sẽ sử dụng công nghệ VAR cho V.League 2019 ở lượt về, bước đầu thí điểm mỗi vòng đấu một trận, bắt đầu từ những nơi có cơ sở hạ tầng đáp ứng như Hà Nội, TP.HCM. Vậy cũng mừng, ít nhất bóng đá Việt cũng chấp nhận đầu tư để theo kịp với bóng đá thế giới.

Ở chuyên mục này, tôi cũng đã có một số bài viết liên quan đến công nghệ VAR trong đó khẳng định: “Chúng ta đang ở thời đại mà bao nhiêu thứ ảo được đưa vào mạng xã hội thì ở cuộc đời thật, yêu cầu minh bạch và rạch ròi ngày càng phải cao. Bất chấp những phản đối, công nghệ VAR mang lại sự công bằng với những quyết định lạnh lùng đến chết người của nó.

Công bằng chính là một yêu cầu bắt buộc của thể thao. Hơn thế nữa, chính sự xuất hiện của công nghệ có tính chất điều chỉnh hành vi những người tham dự. Thậm chí, ở mức cao hơn, nó còn là chuẩn mực của đạo đức. Nếu tất cả những vấn đề nhạy cảm, có thể gây tranh cãi trong cuộc sống này được ngưng lại, được xem xét bởi một thứ công nghệ VAR nào đó thì đã bớt đi rất nhiều bất hạnh và nước mắt.

Chúng ta chưa có công nghệ VAR ở V.League hay ở bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng sự công bằng thì luôn được đòi hỏi. Và tôi nói, câu chuyện ở tít tận Hà Giang xa xôi lại là một thứ công nghệ VAR - công nghệ của lòng người và tự trọng”.

Căn nguyên để ra đời công nghệ VAR chính là việc không trung thực bởi nếu có sự trung thực thì làm sao có cơ hội cho lòng tham và những trò đê tiện.

U.19 mà đã như thế, trời ơi!!!

Tôi nhớ đến công nghệ VAR là bởi câu chuyện điểm thi ở Hà Giang chưa dứt. Hàng loạt các trường tuyên bố sẽ không chấp nhận những em được nâng điểm.

Và sự gian lận trong học hành cũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Mới đây, tại Mỹ, gần 50 người giàu có và nổi tiếng, bao gồm cả ngôi sao Hollywood, đã ra tòa do liên quan đến đường dây “chạy” vào các trường đại học danh tiếng trị giá nhiều triệu USD.

Còn bóng đá thì sao?

Mới đây diễn ra câu chuyện kỳ cục xuất phát từ thông báo số 8 của giải U.19 QG 2019, cảnh cáo và cảnh báo về việc thi đấu thiếu tích cực, với nghi ngờ tiêu cực ở một giải trẻ. Cụ thể là trong trận đấu U.19 Phú Yên gặp U.19 Hà Nội, bàn thua của U.19 Phú Yên đến ở phút 82 sau một sai lầm của thủ môn từ tình huống không có gì nguy hiểm, bóng tìm đến chân cầu thủ Hà Nội và chỉ việc đưa vào lưới trống. Điều kỳ quặc, còn hơn 10 phút cả bù giờ nhưng U.19 Phú Yên đang thua lại nhất quyết không lên tấn công, cứ chuyền bóng qua lại bên phần sân nhà.

Xin thưa, đó là tiêu cực. Thậm chí đã có những dữ liệu từ những trang web cá độ trùng lặp tới mức có người đã khẳng định các cầu thủ đã “thua vì nhà cái”.

Rõ ràng là một vụ việc nghiêm trọng, ở góc độ thể thao nó không kém vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang. Thế nhưng BTC giải không thể có căn cứ, hoặc cũng chưa chắc muốn có căn cứ để xử lý mà chỉ ra văn bản cảnh cáo.

Trước đây, khi xử lý tiêu cực, chỉ cần có “biểu hiện” là đủ. Cựu trưởng giải Ngô Tử Hà từng được giới thể thao gọi là “Ngô Công” (ý so sánh với Bao Công) khi quyết định trừ điểm CAHN ở mùa giải 2001 mà chỉ cần căn cứ vào biểu hiện của cầu thủ và đội bóng.

Thế nên dù VPF có tính áp dụng công nghệ VAR với giá trị hàng triệu USD thì cũng sẽ khó có kết quả tốt bởi điều quan trọng là sự trung thực của từng thành viên trong giải đấu và sự quyết liệt của các BTC giải. Nếu giáo dục có thể xóa điểm, tại sao bóng đá lại không?

Công nghệ VAR chỉ là máy móc, không thể thay thế con người.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm