Quang Hải gọi bằng 2 bàn thắng tuyệt đẹp trong trận thắng của Hà Nội trước Altyn Asyr (Turkmenistan) thì Chanathip cũng lên tiếng như thế một lời thách thức khi cũng ghi 2 bàn vào lưới Shimizu S-Pulse giúp Consadole Sapporo đại thắng.
Ở vai trò nhạc trưởng, ai sẽ hơn ai trong cuộc đối đầu tới? Thật ra tôi không muốn trả lời quá sâu câu hỏi này mà sẽ tìm cách lý giải tại sao hai “chàng lùn” Quang Hải và Chanathip lại có ảnh hưởng lớn lao đến thế.
Quang Hải cao 1m65, còn Chanathip Songkrasin cao 1m63, đều là những anh lùn quái kiệt. Điều này càng chứng minh một luận điểm như là chân lý: muốn làm siêu sao bóng đá, trước hết hãy…lùn.
Đã có những công trình nghiên cứu sau khi liệt kê những quái kiệt của làng bóng đá thế giới trước nay như Pele, Maradona, Messi, Platini, Roberto Carlos, Romario, Paul Scholes, Ribery hay còn đá như Messi, Kante… đều có những chiều cao khiêm tốn. Ở Việt Nam từng là những thế hệ như Thế Anh, Sỹ Hùng, Hồng Sơn rồi đến Văn Quyến, Thành Lương và giờ đây là Quang Hải đều là “litte boy” đáng sợ với bất kỳ đối thủ nào.
Lý giải vui thì đó là những người “khôn không lớn được” hay do thân người ngắn nên “chỉ đạo từ đầu xuống chân” nhanh hơn người bình thường.
Nhưng thực tế nghiên cứu nhân trắc học bóng đá chỉ ra rằng: cầu thủ thấp, sải chân ngắn thì tốc độ xuất phát sẽ nhanh và dễ đạt tốc độ tối đa hơn người có sải chân dài hơn. Trọng tâm thấp giúp cầu thủ lùn xoay trở tốt hơn trong không gian hẹp, đồng thời khả năng giữa thăng bằng tốt hơn. Mặt khác, bước chân ngắn, tần số chân nhanh và khi dẫn bóng, bóng như dính chặt vào chân, họ có thể chọn thời điểm để đẩy bóng qua người nhanh hơn người có bước chân dài.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không tuyển hẳn một đội tuyển lùn thì có phải dễ dàng vô địch không? Câu trả lời là không. Cầu thủ có chiều cao khiêm tốn thực tế là một bất lợi nói chung, nhưng cộng với những tố chất đặc biệt và sự luyện tập chăm chỉ những bất lợi ấy trở thành lợi thế.
Việc dùng những cầu thủ này như độ dài của các ngón tay trên bàn tay. Thử tưởng tượng bàn tay chúng ta ngón nào cũng cụt lủn như ngón cái thì sẽ ra sao. Ngón cái có chức năng riêng, bây giờ là ngón chủ đạo để bấm smarphone (hihi), ngón áp út để đeo nhẫn, ngón trỏ để chỉ đạo nhân viên và ngón giữa để…ngoáy mũi (ví dụ thế!).
Một đội bóng cần cả những cầu thủ nhỏ con nhưng đặc biệt cần những cầu thủ cao to, khỏe mạnh.
Thế Quang Hải và Chanaphip thì sao? Hiển nhiên đó là những cầu thủ có độ quái thượng thừa và họ tận dụng quá tốt những nhược điểm khi đã biến thành ưu điểm.
Song nên nhớ rằng, chiều cao khiêm tốn không phải là yếu tố quyết định để Quang Hải và Chanathip thành những ngôi sao mà là những “kỹ năng đặc biệt” và khả năng tư duy, phán đoán hơn bình thường.
Vậy khi Quang Hải đối đầu với Chanathip thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đó sẽ là hai nốt nhạc đặc biệt trong bữa tiệc âm nhạc trên sân Thamasat ở Bangkok.
Hai nốt nhạc ấy tưởng là giống nhau nhưng rất khác và nên khác. Hãy để họ so tài, đừng bắt Quang Hải là Chanathip và ngược lại. Thậm chí đừng bắt cả hai là Messi!