Tiền đạo cỡ Messi không đáng sợ bằng... tiền điện

Song An
thứ bảy 4-5-2019 12:19:52 +07:00 0 bình luận
Mùa nóng, Bộ Công thương quyết định giá điện mới từ ngày 20/3. Một tháng sau, khi nhận hóa đơn tiền điện, nhiều nhà “ngã bổ chửng” vì tiền điện tăng gấp 2, 3 lần, tức là lên tới vài trăm phần trăm chứ không phải trên 8% như thông báo.

Động đến túi tiền thì dân nhảy dựng lên là đúng rồi. Thủ tướng cũng đã phải yêu cầu làm rõ đúng, sai trong cách tính giá điện. Thế nhưng có một câu chuyện chưa ai nói tới: bóng đá Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gì khi giá điện liên tục sút thủng túi tiền y như Messi phá lưới ở Champions League vậy?

Bóng đá có cần điện không? Xin thưa chỉ trừ bóng đá thời ông cố tổ mới không cần điện chứ bóng đá hiện đại thì điện là một trong những điều kiện để tổ chức trận đấu: điện để thắp sáng, điện để truyền hình trực tiếp, điện để cấp nước cho cầu thủ tắm…

Nếu để ý, V.League mùa này có một thay đổi lớn tôi cho là tích cực, ấy là việc đẩy một số trận đấu vào khung giờ vàng, tức là bắt đầu lúc 19h tối, kết thúc 21h, quá tiện để xem truyền hình, quá tiện để thời tiết vừa đủ hạ nhiệt để cầu thủ được thi đấu trong điều kiện tốt, quá tiện để ai đó xong giờ công sở kịp nhảy lên xe vào sân hoặc đúng ngày cuối tuần thì thong thả cơm chiều no bụng dễ hò hét…

Nhưng nếu đá giờ đó lại đúng lúc giờ cao điểm về điện. Bảng giá tiền điện của Bộ Công thương thì điện bán buôn cho tổ hợp thương mại, du lịch giờ cao điểm lên mức rất khủng: 4.349 đồng/Kwh, tức là gần gấp 3 lần giá điện sinh hoạt hộ gia đình.

Vấn đề là một trận đấu tốn bao nhiêu tiền điện? Khoảng 10 năm trước, khi việc tiết kiệm điện như một pháp lệnh phải thực hiện, tôi có hỏi BQL sân Hàng Đẫy - Hà Nội thì được nghe một câu chuyện. Đó là mỗi trận đấu, BTC sân phải oằn mình khoản tiền tiền vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu. 

Nghe thì đơn giản, vài chục triệu tiền điện mỗi trận đấu không phải là vấn đề. Tuy nhiên cứ thứ lấy số tiền đó chia cho số phút thì sẽ thấy mỗi phút trôi qua đắt giá thế nào. Mức giá tiền triệu ấy là cả chục năm trước, giá bây giờ thì rõ ràng tăng cũng nhẹ là vài lần.

Có năm vì không dám gánh khoản tiền điện nợ chồng chất, BTC sân đồng loạt kiến nghị BTC V.League chuyển giờ thi đấu từ 17h xuống 16h để tận dụng ánh nắng và không phải… bật đèn.

Thông thường, hệ thống đèn chiếu sáng gồm 4 hạng mục chính: 4 thân trụ cao 38 m đặt ở 4 góc sân, 4 dàn đèn được gắn trên đỉnh 4 trụ treo 30 bộ đèn pha/trụ, 120 bộ đèn pha chuyên dụng thông minh Metal Halide thiết kế chống lóa chuyên dùng cho thể thao, công suất 2.000 W/bóng đảm bảo công suất sáng (độ rọi) trung bình đạt 1.200 Lux/120 nhằm đem lại sự kết hợp hài hòa, tự nhiên của hình ảnh cầu thủ và khán giả với sự cân bằng của các yếu tố tương phản, hình ảnh ghi trung thực, không bị méo, mờ.

Chỉ cần nghe tới công suất đèn và số lượng đèn đã thấy siêu khủng rồi. Thế nên, hôm nọ nhân có việc gặp gỡ một chủ sân than thở rằng: đá bóng bây giờ không chỉ sợ tiền vệ, tiền đạo mà còn sợ cả tiền điện.

Nhưng chẳng thấy BTC sân nào tát nước theo mưa, kiểu tiền điện tăng thì giá vé sẽ tăng, hoặc chơi kiểu lôi nhau ra đá bóng lúc 3 giờ chiều để tiết kiệm điện còn cầu thủ  khán giả có thấy nóng không thì… kệ.

Thế mới thấy trong cái sự tăng bức bối của các loại giá xăng, giá điện, giá gas, giá khám chữa bệnh thì bóng đá vẫn là một lĩnh vực nhân văn.

Phải nói ra để tất cả thấy cái tích cực cái đáng yêu của bóng đá nhà mình.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm