Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018: Biết mình và biết người!

Nhà báo Hữu Bình
thứ hai 20-8-2018 20:36:51 +07:00 0 bình luận
Hy vọng được đón tấm HCV đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18 thế là lại cần chờ thêm sau khi lực sĩ Thạch Kim Tuấn chỉ có thể giành HCB ở môn cử tạ. Nhưng...

Hy vọng được đón tấm HCV đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18 thế là lại cần chờ thêm sau khi lực sĩ Thạch Kim Tuấn chỉ có thể giành HCB ở môn cử tạ. 

Nhưng với những ai hiểu rõ về thực lực của Tuấn với Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên, lực sĩ số 1 thế giới ở hạng 56kg hiện tại) thì đây vốn là kết quả đã được dự báo trước. Nói cách khác, đoàn TTVN đã có thêm một ngày thi đấu thành công, dù vẫn chưa có "vàng".

Ngôi Á quân của Thạch Kim Tuấn là… đúng sức, bởi trên thực tế anh vẫn chỉ thua người từng thắng mình tại ASIAD 17 cách đây 4 năm – Om Yun Chol, lực sĩ mạnh nhất ở hạng 56kg hiện tại, không chỉ của châu Á mà cả thế giới! 

Thông số 280kg của Tuấn không phải là tốt nhất (vì anh từng đạt tới 296kg), nhưng khó có thể đòi hỏi một VĐV cử tạ luôn thể hiện được phong độ đỉnh cao ở mọi giải đấu. Đây vốn là điều rất đặc thù chuyên môn ở môn thể thao Olympic lâu đời này. Chỉ hơi tiếc cho Trần Lê Quốc Toàn khi vuột mất tấm HCĐ (xếp hạng 4 chung cuộc), bởi nếu thi đấu đúng thực lực thì nó không phải ngoài khả năng của anh.

Biết mình và biết người! - Ảnh 1.

Thạch Kim Tuấn không thể vượt qua Om Yun Chol. Ảnh: Trung Thu

Tấm huy chương thứ 2 trong ngày nằm ở môn bơi, một tấm HCĐ do VĐV trẻ mới 18 tuổi Nguyễn Huy Hoàng giành được ở nội dung 800m tự do nam có thể xem là một bất ngờ thú vị. Hoàng chỉ xếp sau nhà vô địch Olympic 2016 Sun Yang, và sau Takeda – cũng là một kình ngư xuất sắc của Nhật Bản. 

Thông số 7 phút 54 giây 32, đồng nghĩa với việc chỉ kém người giành HCB (người Nhật Bản) hơn 1 giây, và xếp sau Hoàng là 2 VĐV rất mạnh khác cũng của Nhật Bản và Trung Quốc – những cường quốc hàng đầu thế giới ở môn này. 800m tự do trên thực tế là nội dung rất khó, vốn có ít VĐV tập luyện theo đuối (ở ranh giới giữa cự ly ngắn với cự ly trung bình) không phải tự nhiên mà nó không được đưa vào chương trình thi đấu của các kỳ SEA Games vì có quá ít VĐV thi đấu. 

Vậy mà từ vị thế một nhà vô địch Đông Nam Á ở cự ly 1.500m, Huy Hoàng đã chinh phục thành công cự ly đặc biệt này, thậm chí còn tự phá kỷ lục quốc gia của chính mình tới 4 giây chỉ sau… 1 tháng. Đây cũng là mức tăng trưởng thành tích rất ấn tượng, cho thấy tiềm năng của VĐV trẻ này nếu được đầu tư xứng đáng.

Nhưng thành tích ấn tượng nhất trong ngày lại nằm ở môn bóng chuyền, với một bất ngờ có thể ví như "một cơn địa chấn". ĐT bóng chuyền nam VN, xếp hạng 78 thế giới đã đánh bại Trung Quốc, đương kim hạng 20 thế giới, từng nhiều lần góp mặt ở World Cup bóng chuyền với tư cách là một trong các đội mạnh hàng đầu châu Á. 

Mới hôm qua, đội tuyển nữ của chúng ta thua trắng 0-3 trước tuyển nữ nước bạn, và giới chuyên môn đều đã đinh ninh khó có bất ngờ trong trận đấu hôm nay tại giải nam, thế mà… Những ai hâm mộ bóng chuyền có lẽ đều còn chưa quên thành tích tốt nhất trong lịch sử những lần góp mặt ở sân chơi châu lục của bóng chuyền nam VN là hạng 6 châu Á, tại giải năm 2012 khi Việt Nam là chủ nhà. 

Nhưng ở giải ấy, khi gặp Trung Quốc, ĐTVN đã thua trắng 0-3. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là một đội rất mạnh, được dẫn dắt bởi HLV người Argentina và tới Asiad này với tham vọng vươn lên tốp 2, thay vì tốp 4 ở Incheon 2014. Trong khi ấy, tuyển Việt Nam chỉ đặt mục tiêu "rèn quân" là chính. 

Nhưng với phong độ xuất thần, điều kỳ diệu đã xảy ra. Trên một chừng mực nào đó, chiến thắng này thậm chí còn có thể đánh giá là bất ngờ hơn nhiều so với những gì đội tuyển bóng đá nam làm được trước Nhật Bản hôm qua!

Ở các môn khác trong ngày, trên thực tế không có kết quả nào quá đặc biệt. Bắn súng chưa có thêm huy chương, Wushu cũng vậy (nhiều hy vọng sẽ có huy chương trong ngày 21/8), còn TDDC thì cũng chưa thể có cuộc lật đổ trước những cường quốc của châu lục. 

Có lẽ đáng thất vọng chỉ có Taekwondo – môn thể thao từng đem về tấm HCV đầu tiên cho thể thao VN tại đấu trường Asiad (chính xác là HCV duy nhất của đoàn TTVN tại 2 kỳ Asiad liên tiếp vào các năm 1994 và 1998), nhất là ở 2 nội dung của nữ khi Hồ Kim Ngân và Bạc Thị Khiêm tỏ ra thua sút quá nhiều so với các đối thủ đến từ Trung Quốc và Iran, không phải chỉ về trình độ chuyên môn mà cả về lối đánh cũng như tinh thần. 

Biết mình và biết người! - Ảnh 3.

Huy Hoàng bất ngờ giành chiếc HCĐ ở nội dung bơi 800m.

Môn võ thể thao từng là thế mạnh của chúng ta trên trường quốc tế rõ ràng đã và đang cho thấy sự tụt hậu so với châu lục (chưa nói tới thế giới), chẳng trách đã tròn 20 năm chưa thêm một lần có "vàng" tại Asiad…

Cần tiếp tục kiên nhẫn, vì những "hy vọng vàng" thật sự của TTVN vẫn còn chưa ra trận. Nhưng sự khách quan nhìn nhận vô cùng cần thiết, để thấy rằng bên cạnh những cái ĐƯỢC, cái tạm thời ghi nhận với đoàn thể thao Việt Nam, cũng có cả những cái CHƯA ĐƯỢC rõ ràng, không thể không nghiêm khắc nhìn nhận. 

Thế cũng có nghĩa là biết mình, biết người để tự hoàn thiện và vươn lên vậy!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm