Những HLV trước thời ông Park cũng đã nhiều lần muốn gọi lại Thành Lương khi chứng kiến anh thi đấu chói sáng trong màu áo Hà Nội FC, tuy nhiên Lương “dị” đều lắc đầu. Những lần từ chối trước, có thể thấy Lương có lý khi giải thích là “nhường cơ hội cho những cầu thủ trẻ”. Nhưng cũng có suy luận rằng Lương không tái xuất vì khả năng thành công cùng đội tuyển trong quá khứ là khá thấp. Bởi vậy có người nói, Lương không chỉ ngoan mà còn khôn.
Nhưng thời Park Hang-seo thì khác, khả năng thành công lớn hơn, hào quang vẫn có thể đến. Hay nói cách khác là Thành Lương vẫn có cơ hội để vượt lên đỉnh cao của chính mình. Vậy mà Thành Lương vẫn từ chối được, đó là điều rất không dễ thực hiện.
Trong cuộc sống, có rất nhiều điều khiến chúng ta khó từ chối: danh vị, tiền tài, tình yêu. Sự lựa chọn YES hay NO là cực kỳ khó khăn. Tình cờ, tôi thấy trên Fox Movies chiếu lại bộ phim kinh điển “Lời đề nghị khiếm nhã”. Bộ phim nói về sự lựa chọn của một đôi vợ chồng trẻ khi một tỉ phú đưa ra lời để nghị 1 triệu USD để có một đêm với người vợ xinh đẹp.
Trong lúc khốn quẫn, chọn tình yêu hay số tiền 1 triệu USD? Quả là lựa chọn cực kỳ khó khăn. Trong phim, hai vợ chồng nói YES với lời đề nghị triệu đô và cái giá phải trả là không hề nhỏ. Con người luôn bị đặt giữa lằn ranh như vậy và chính vì thế “Lời đề nghị khiếm nhã” trở thành một tác phẩm kinh điển. Nó động đến những thứ rất sâu phía bên trong mỗi con người.
Tôi không có ý định nói rằng lời đề nghị của ông Park là “Lời để nghị khiếm nhã” bởi hai vấn đề khác xa nhau mà chỉ muốn nhìn vào sự-lựa-chọn của mỗi người để đánh giá.
Tôi biết có những người chuyên môn cực giỏi, thông minh nhưng khi nhận được một lời đề nghị làm quản lý, ở địa vị cao hơn, mức lương hấp dẫn hơn thì kiên quyết từ chối. Lý do là người đó cảm thấy không phù hợp hoặc vị trí mới - dù hấp dẫn nhưng nếu nhận lời anh phải đánh đổi một thứ quan trọng không kém: tình yêu với công việc.
Chỉ những người may mắn mới có cả thu nhập lẫn tình yêu với chính công việc đang làm, như cách nói của cựu hậu vệ AC Milan - Franco Baresi: “Tôi hạnh phúc vì công việc và tình yêu là một”.
Thực tế ở Việt Nam, từng có nhiều cầu thủ nói “không” khi được gọi vào đội tuyển. Thời Calisto, chính ông thầy người Bồ Đào Nha cũng phải thốt lên rằng: “Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi khi tập trung đội tuyển không nằm ở việc cầu thủ nào đó bị chấn thương, mà lại nằm ở chuyện có ai đó xin về. Tôi làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam không phải lần đầu và càng không phải lần đầu làm quen với những việc mà có lẽ không một đội tuyển nào trên thế giới vấp phải. Nó thực sự báo động về ý thức cầu thủ”. Nhưng đó là khi mà chế độ đội tuyển so với CLB vẫn có sự chênh lệch quá lớn và sự từ chối của cầu thủ thực chất là để giữ chân cho nơi sẽ trả lương cho mình cao hơn.
Thành Lương khác, hình ảnh cầu thủ nhó bé giấu lá quốc kỳ bé xíu trong tất rồi lúi húi lôi ra, giơ lên ăn mừng được cho là biểu tượng của sự hồn nhiên. Cái biệt danh “dị” là nói về chất quái khi chơi bóng của Lương, nhưng tôi nghĩ nó còn có nghĩa là giản dị.
Cách từ chối lên đội tuyển của Thành Lương chẳng phải là điều mà chúng ta cần học tập khi đứng giữa những lựa chọn khó hay sao?