"Terima kasih", tiếng Indonesia nghĩa là "cảm ơn".
Vâng, tôi xin được mở đầu bằng lời cảm ơn xứ sở vạn đảo đã mạnh dạn và quyết tâm đứng ra gánh vác trách nhiệm đăng cai ASIAD 18, kỳ đại hội thể thao châu Á mà lẽ ra Việt Nam mới là chủ nhà (chiến thắng trong cuộc đua giành quyền đăng cai).
Trên thực tế, họ cũng đã phải đối mặt muôn vàn khó khăn khi tiếp nhận lại vị thế nước chủ nhà, nhưng sau tất cả, mọi thứ đã sẵn sàng ngay trước lễ khai mạc…
Buổi sáng ngày khai mạc thật bình lặng. Trung tâm báo chí (MPC) đặt tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Gelora Bung Karno vẫn tấp nập phóng viên quốc tế, nhưng cảm giác bầu không khí không hối hả bằng mấy hôm trước. Lý do đơn giản là hôm nay không có môn nào thi đấu.
Tất cả đều như lắng lại chờ lễ khai mạc vào buổi tối, nơi BTC nước chủ nhà Indonesia sẽ cố gắng chuyển tải tinh thần của Đại hội, với những nét văn hóa truyền thống của xứ sở vạn đảo, lồng ghép với khát vọng vươn lên của đất nước mình, thông qua khẩu hiểu "Energy of Asia" (Năng lượng của châu Á).
Chủ nhà Indonesia đang nỗ lực để tạo nên kỳ ASIAD thành công. Ảnh: Hữu Bình
Bạn có bao giờ tự hỏi "vì sao Indonesia lại chọn ngày 18/8 để tổ chức lễ khai mạc?". Câu trả lời không chỉ đơn giản là "cái ngày đẹp và dễ nhớ", mà trước hết nằm ở chỗ: Nhằm kỷ niệm 73 năm, chính phủ Indonesia chính thức ra mắt. Vào ngày 17/8/1945 (chỉ 2 ngày trước cuộc cách mạng Tháng Tám của nước ta), Indonesia tuyên bố độc lập, không còn chịu sự cai trị của đế quốc Hà Lan (đồng thời cũng không còn mang cái tên "Đông Ấn" nữa).
Một ngày sau đó (18/8/1945), chính phủ đầu tiên của đất nước Indonesia nhậm chức, với vị lãnh tụ tối cao là Tổng thống Sukarno (còn được viết là Soekarno), cùng "cánh tay phải" của ông – phó tổng thống Hatta. Tên gọi Soekarno Hatta của sân bay quốc tế ở thủ đô Jakarta hiện nay chính là xuất phát từ đó (ghép tên 2 nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước) nhằm tưởng nhớ hai nhà lãnh đạo vĩ đại đã có công dựng nước.
Trên thực tế, Indonesia không hề là "tay mơ" trong công tác tổ chức sự kiện thể thao. Họ từng đăng cai thành công ASIAD năm 1962, từng là chủ nhà của nhiều kỳ SEAP Games và SEA Games cũng như nhiều giải thể thao lớn khác. Bởi vậy mà họ đã mạnh dạn đứng ra nhận lãnh trách nhiệm đăng cai ASIAD 18, sau khi Việt Nam rút lui, dù thời gian chuẩn bị không nhiều.
Vấn đề đáng băn khoăn đầu tiên là tình hình tài chính - theo các nguồn số liệu, thì con số tổng cộng tới nay đã lên tới khoảng 3 tỷ USD (bao gồm cả các gói xây dựng giao thông cũng như sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất), hơn một nửa từ nguồn ngân sách (chính phủ và các thành phố Jakarta, Palembang). Vấn đề từ hai là công tác an ninh, an toàn trước nhiều mối đe dọa. Nhưng nếu có mặt tại Indonesia, bạn sẽ cảm nhận được họ đang dốc sức như thế nào (lực lượng cảnh sát, quân đội được bố trí dày đặc khắp các địa điểm liên quan tới Đại hội) vì một kỳ Asiad an toàn và thành công.
Nhưng điều tôi cũng như các phóng viên báo chí đến tác nghiệp tại Indonesia dịp này cảm thấy thú vị nhất chính là nụ cười gần như thường trực trên gương mặt của các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi của nước bạn. "Năng lượng của châu Á" không hẳn cứ phải là khí đốt hay dầu mỏ khai thác từ thiên nhiên, cũng không phải từ sức nước, sức gió hay ánh sáng mặt trời, mà năng lượng ở đây có thể hiểu xuất phát từ chính ý chí, khát khao cũng như tinh thần sáng tạo của con người.
Tác giả (áo vàng) và các tình nguyện viên nước chủ nhà.
"Năng lượng" ấy vượt lên trên giá trị vật chất đơn thuần, mà bao gồm cả những giá trị tinh thần vô giá, là nơi ngay cả các quốc gia vốn có mâu thuẫn về chính trị (như CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc) bao lâu cũng muốn nhân dịp này mà tạo nên cơ hội cho hòa bình, hữu nghị!
Ý nghĩa của một kỳ Đại hội thể thao tầm cỡ châu lục vì vậy mà lớn lao hơn rất nhiều so với những gì người ta hình dung (khi chỉ nhìn từ góc độ thể thao đơn thuần). Asiad không chỉ có thể thao, mà đấy là dịp tốt để các quốc gia đoàn kết, bắt tay nhau, hướng tới những giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Terima Kasih, xin cảm ơn Indonesia!