Và nếu được khuyên, tôi sẽ khuyên Tấn Trường… đừng bắt gôn nữa.
Tấn Trường là một thủ môn giỏi, điều đó không nghi ngờ gì. Thế nhưng sự kỳ vọng bao giờ cũng đi cùng với nỗi thất vọng nếu như kỳ vọng ấy không đáp ứng được yêu cầu. Tấn Trường là một ví dụ cụ thể bởi sai lầm của thủ môn người Đồng Tháp cứ lặp đi lặp lại và giống nhau ở một điểm: có điều gì đó không bình thường.
Hình ảnh ông Calisto gần như bóp cổ Tấn Trường sau trận chung kết SEA Games trên đất Lào cách đây đúng 10 năm là một dạng “nghi án” cho đến giờ chưa có lời giải cặn kẽ, cho dù ông thầy sau đó cố gắng giải thích thiên về hướng “chỉ muốn làm cho Trường bình tĩnh lại”. 10 năm trôi qua, chưa có bài báo nào thống kê một cách đầy đủ về những “sai lầm chết người” của Tấn Trường nhưng rõ ràng là nhiều, rất nhiều.
Ví dụ như tình huống gần nhất, một cú băng ra có vẻ không hợp lý. Lẽ ra, Tấn Trường phải đấm bóng giải vây nhưng anh không muốn làm thế. Tấn Trường muốn bắt gọn bóng như một vài tình huống tấn công của Hà Nội FC trước đó và bi kịch xảy ra. Tấn Trường cũng không hiểu vì sao trái bóng có thể dễ dàng trôi qua tay anh như vậy, còn các đồng đội thì ngã gục tiếc nuối.
Tất nhiên, người hâm mộ nghi ngờ, báo chí không nói thẳng ra nhưng đặt dấu hỏi. Tình huống quá nhạy cảm, thời điểm thua quá nhạy cảm mà những người có chút kiến thức bóng bánh vẫn gọi là… rung.
Chiều 5/5, một đồng nghiệp của tôi thông tin: gõ từ khóa “Tấn Trường bán độ” trên công cụ tìm kiếm sẽ cho ra 44,8 triệu kết quả trong vòng 0,27 giây. Chiều 6/5, tôi gõ từ khóa này trên google thì kết quả đã là… 50,5 triệu kết quả trong 0,37 giây. Trời ơi, 6 triệu kết quả cho từ khóa “Tấn Trường bán độ” chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Bán hay không bán? Hãy khoan bàn về chuyện này vội. Thực tế người chịu trách nhiệm cho một bàn thua, thường là thủ môn. Vị trí thủ môn là vị trí dễ bị ném gạch nhất, ai cũng hiều điều đó. Thế nên, trong số các vị trí trên sân, tôi dành sự cảm thông và kính nể các thủ môn nhiều hơn cả vì sự dũng cảm của họ. Dũng cảm khi đối đầu với các cú sút, đối đầu và dám chịu trách nhiệm khi sai lầm. Thủ môn nào cũng sai lầm, đó là cái nghiệp của họ.
Có thể với rất nhiều người (ít ra là hàng triệu trong số 6 triệu cái click tìm xem Tấn Trường có bán độ hay không) tin rằng Trường có vấn đề. Nhưng tôi cho rằng, ở trường hợp này, điều cần là phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Trong hình sự, suy đoán vô tội hay giả định vô tội, là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Nội dung cốt lõi của nguyên tắc cho rằng mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội.
Nguyên tắc này được áp dụng trong các cáo buộc của phiên tòa hình sự. Các bằng chứng cáo buộc mà bên công tố hoặc viện kiểm sát đưa ra phải đủ khả năng thuyết phục hội đồng xét xử về tính chân thật của cáo buộc. Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Việc tìm bằng chứng đủ khả năng thuyết phục thuộc về bên công tố.
Trong trường hợp này Tấn Trường là bên bị cáo buộc và hiển nhiên không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Các cơ quan chức năng của VFF hãy làm điều đó, có thể mời công an nếu nghi ngờ.
Còn Tấn Trường sau bàn thua ấy, viết trên trang cá nhân thế này: “Các bạn cho tui hỏi một câu , các bạn có phải là fan bóng đá không? Nếu các bạn là fan hâm mộ bóng đá thì các bạn phải biết xem đá banh là như thế nào chứ .
Các bạn có thấy ae cầu thủ bọn tui thi đấu không? Người thì phải nhập viện, người thi chấn thương nhưng vẫn cố thi đấu vì CLB, các bạn có nhìn thấy không?
Hay là các bạn chỉ mong chờ vào một lỗi của ai đó rồi các bạn đỗ vào đầu họ, rồi chửi họ ko ra cái thứ gì… tui viết cái này không bào chữa cho sai lầm của mình, mà tui viết để cho các bạn hiểu mà thông cảm cho anh em tụi tui…”.
Bởi vậy, nếu được khuyên, tôi sẽ khuyên Trường đừng bắt gôn nữa. Là tôi, tôi cũng sẽ bỏ, tìm một việc gì khác, hoặc tìm cách lên đá… tiền đạo. Nhưng tôi nghĩ Tấn Trường không phải là người dễ buông bỏ như thế. Dù có thể bị oan, Trường sẽ lại đứng dưới khung thành.