Phạt anh Cà Rê với... cầu thủ nữ

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ tư 24-10-2018 21:29:11 +07:00 0 bình luận
Anh Cà Rê là một thợ điện ở Cần Thơ, lương mỗi tháng là 4 triệu đồng, đổi ra USD thì chưa đầy 200 Mỹ kim.

Anh Cà Rê là một thợ điện ở Cần Thơ, lương mỗi tháng là 4 triệu đồng, đổi ra USD thì chưa đầy 200 Mỹ kim.

Nhưng từ giờ chắc anh chả muốn nghe tới hai từ Đô-la nữa. Lý do vào một ngày đẹp trời hồi đầu năm 2018, anh ra tiệm vàng bán 100 USD. Chuyện rất bình thường cho đến khi cơ quan chức năng ập vào, phạt anh số tiền lên tới… 90 triệu đồng.

Bán 100 USD bị phạt số tiền tương đương 2.000 USD. Nghe đã thấy có gì đó sai sai.

Nhưng mà đúng, thật ra ngoài số tiền phạt 90 triệu đồng, ngay cả số tiền bán tờ 100 USD kia cũng bị tịch thu luôn chiểu theo điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Túm lại là, việc bán ngoại tệ ở chợ đen là bị cấm từ 4-5 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên một người bị phạt. Đáng nói là, theo quy định của nghị định 96 là không có khung xử phạt tuỳ theo giá trị tang vật thế nên anh chị nào bán 1-2 USD mà bị bắt thì mức phạt cũng có thể lên tới 80-100 triệu đồng.

Các luật sư lên tiếng ngay về sự bất công về mức phạt này, bất công lớn nhất là khung xử phạt không tính theo giá trị, số lượng, tính chất, mức độ vi phạm và số lần tái phạm. Thực tế hiện nay có hàng triệu vi phạm, các giao dịch mua đổi ngoại tệ lên tới hàng triệu USD vẫn diễn ra mà các cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ.

Tôi nhớ ngay đến một việc không liên quan nhưng rất tương đồng. Ấy là chuyện khoảng hơn tuần trước, Ban kỷ luật của VFF ra quyết định kỷ luật một số cầu thủ bóng đá nữ sau vụ ẩu đả tại giải VĐQG nữ. Hình ảnh tất nhiên là phản cảm. Ban kỷ luật VFF thì cố hữu thói quen án tại hồ sơ. Thế là phạt 4 cầu thủ TPHCM mỗi người 10 triệu đồng cộng 5 tháng treo giò.

Phạt anh Cà Rê với... cầu thủ nữ - Ảnh 2.

Sự cố đắng lòng của các cầu thủ nữ trên sân Thống Nhất

Quy định thì không sai, nhưng những quy định và luật pháp đầu tiên phải mang yếu tố răn đe, giáo dục chứ không phải phạt cho… đứt nghiệp.

Bóng đá nữ lâu nay vốn chịu nhiều bất công, đầu tư nhỏ giọt, lương và tiền công tập luyện chưa ráo mồ hôi đã hết. Thế rồi bị phạt 10 triệu, bằng mấy tháng lương. Đau không để đâu cho hết.

Đối xử lương thưởng không bằng nam, nhưng phạt thì "bình đẳng giới" - đó là điểm bất công.

Nếu để nói về tâm trạng thì anh Cà Rê rất chia sẻ với các cầu thủ nữ.

Tôi cũng chưa rõ anh Cà Rê với lương tháng của một công nhân lấy đâu ra tiền để nộp phạt với mức bằng cả năm thu nhập. Tôi cũng không rõ các cô gái đá bóng liệu có bỏ tiền túi ra nộp phạt hay sau quyết định này cũng vĩnh viễn treo giày?

Tinh thần thượng tôn pháp luật và thực hiện các quy định không phải là xử phạt nghiêm đến mức không tim và vô cảm như vậy, mà ở chỗ tạo điều kiện và khích lệ con người làm điều đúng đắn.

Đôi khi, chúng ta vẫn thấy thực tế "chó trộm gà thì bắt - hổ trộm bò thì tha". Có rất nhiều những hành vi gây hại cho đất nước hàng tỉ, thậm chí ngàn tỉ thì khó xử lý, còn người dân vị phạm thì lấy luật ra phạt một cách bất công.

Nó cũng giống như việc bóng đá Việt Nam sẽ thu của mỗi cầu thủ nữ số tiền gấp đôi lương tháng của họ với hành vi bột phát trên sân trong khi lại làm ngơ giữa những điều "tất cả thấy nhưng vài người không thấy" như chuyện một ông chủ nhiều đội bóng vẫn tồn tại, chuyện lợi ích nhóm ở V.League ai bảo không còn, chuyện qua mặt chuyển đổi phiên hiệu bán CLB như bán rau ngoài chợ.

Với bóng đá, vẫn là "Luật trên trời và cuộc đời dưới đất".

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm