Nếu chỉ có thêm nửa điểm, thậm chí chỉ cần 0,25 điểm thì cuộc đời nhiều thí sinh đã thay đổi rất nhiều. Điều khác biệt: cú hụt chân của MU là do chính họ còn cú bước hụt cuộc đời của những thí sinh bị loại ở kỳ thi trước là do những trò gian lận…
Tôi đã từng quen những người bạn, học cấp 2, cấp 3 rất giỏi. Họ thi đỗ Đại học với số điểm cao và được mọi người kính nể. Thế nhưng sau khi đỗ, là một cuộc trượt dài với những hội nhậu thâu đêm, những ngày trốn học đánh bài hay lao vào yêu đương. Dĩ nhiên không phải họ kém cỏi mà là thái độ sau khi đạt được mục đích. Kết quả là nhiều người trả giá, rớt lại hoặc tệ hơn là không qua nổi kỳ thi vượt rào và vĩnh viễn không có được tấm bằng cử nhân.
Manchester United, cảm giác cũng có hơi hướng như vậy. Thời Solskjaer tạm quyền, MU là một đội bóng khác: hấp dẫn, đầy động lực, đầy cống hiến cho đến khi Solskjaer chính thức nắm ghế thì mọi việc trở nên tồi tệ. Dường như động lực của nhiều cầu thủ MU chỉ là đẩy Mourinho ra khỏi ghế và cố gắng chứng minh chúng tôi là những người giỏi, còn người kém là Mourinho. Hiển nhiên, đầu trò là Paul Pogba - một thứ quyền lực đen của đội bóng.
Tôi chưa bao giờ hoài nghi tài năng của Paul Pogba nhưng lúc nào cũng âu lo vì động lực của anh này. Paul Pogba hay thì MU hay, Paul Pogba dở thì MU rất tệ. Rõ ràng, Manchester United không thể trở lại là một đội đội bóng vĩ đại nếu quá phụ thuộc vào một vài cá nhân. Bóng đá là cuộc chơi tập thể.
Sau trận thua khó tin trước Everton, Paul Pogba lên tiếng: “Chúng tôi đã không tôn trọng chính mình, các đồng đội, các nhân viên, cho mọi người và cho tất cả. Họ đặt cuộc sống của họ lên chính tôi, đội bóng và CLB này. Những gì chúng tôi đã thể hiện trên sân đã không mang lại niềm vui cho họ và đó là lý do tại sao chúng tôi lại tức giận với chính mình".
Lời xin lỗi của Paul Pogba là không đủ nhưng ít nhất là những người yêu MU còn có gì đó để hy vọng khi mà cơ hội mong manh vẫn còn ở phía trước, biết rằng, việc lọt vào Top 4 lúc này khó, rất khó như thể là tính chuyện con voi lọt qua lỗ kim.
MU, Pogba có cơ hội, nhưng những thí sinh “bỗng nhiên bị trượt” ở Việt Nam thì không. Khi mà hàng chục thí sinh bị phát hiện gian lận, bị đuổi học thì còn một sự thật khác: cũng có hàng chục thí sinh bị đánh trượt phải gánh chịu sự bất công. Đã có những câu chuyện rơi nước mắt về một thí sinh ở Hà Tĩnh, hai năm liền không đỗ đại học vì thiếu 0,25 điểm và 0,75 điểm. Tin được không khi mà có thỉ sính tổng điểm chỉ là… 3 nhưng được nâng tới hơn 20 điểm để “bay” thẳng vào Đại học, còn có những người 7,75 điểm môn văn, 9 điểm môn sử và 10 điểm địa lý vẫn trượt thẳng cẳng.
Quá nghiệt ngã và chẳng có thứ công nghệ VAR nào giúp họ có cơ hội như thứ công nghệ đã cứu Tottenham, loại Man City cách đây không lâu ở vòng tứ kết Champions League.
Dù đau lòng, nhưng chí ít những CĐV MU còn được nghe những lời xin lỗi. Đến bao giờ thì những thí sinh trượt oan uổng ở Việt Nam mới có được lời xin lỗi (đó là điều tối thiểu) từ phía Bộ Giáo dục, để họ tin rằng, những kỳ thi tới không còn gian dối, bất công?
Song An (Nhà báo thể thao duy nhất đoạt giải báo chí Quốc gia)