Nếu Bộ trưởng làm chủ tịch VFF...

Nhà báo Hữu Bình
thứ tư 25-7-2018 15:00:10 +07:00 0 bình luận
Theo nguồn tin, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới đây đã được chính thức giới thiệu vào cương vị Chủ tịch của VFF khóa VIII.

Theo nguồn tin, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ chủ quản của ngành TDTT nói chung và quản lý về mặt Nhà nưc đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao (trong đó có Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF) mới đây đã được chính thức giới thiệu vào cương vị Chủ tịch của VFF khóa VIII.

1. Trước tiên cần khẳng định, nếu Bộ trưởng nhận lời, và được Trung ương đồng ý, thì đây sẽ là thông tin đáng mừng, vì khi ấy chiếc ghế quyền lực nhất của tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao có tầm ảnh hưởng nhất sẽ do một chính khách theo đúng nghĩa đảm nhận.

Được biết, thời trẻ, ông Thiện cũng là một người hâm mộ bóng đá thứ thiệt, từng chứng kiến và trăn trở với những bước thăng trầm của bóng đá cố đô Huế. Nói cách khác, Bộ trưởng vốn là người am hiểu bóng đá. Từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, ông cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bóng đá Việt Nam.

Trong bối cảnh cuộc tìm kiếm "minh chủ" mới cho VFF rơi vào lúng túng vì nhiều lý do cũng như "sự cố" (đặc biệt trong công tác chuẩn bị về nhân sự), phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía thì việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đứng ra nhận lãnh trách nhiệm "đứng mũi chịu sào" - nếu trở thành hiện thực - nên được xem là một hành động dũng cảm.  

Vị thế của một vị Ủy viên Trung ương Đảng am hiểu về bóng đá trong vai trò lãnh đạo cao nhất của VFF sẽ giúp tổ chức này có cơ hội củng cố một cách mạnh mẽ, từ tổ chức tới định hướng hoạt động.

Nhiệm kỳ VII của VFF đã làm được nhiều điều, đem lại nhiều thành quả trước mắt, trong đó có cả những kỳ tích lịch sử (như các đội U19 và Futsal giành vé dự World Cup, đội U23 giành ngôi Á quân châu Á), nhưng không phải không cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn đối với những mặt còn khiếm khuyết. 

Tồn tại đáng nói nhất chính là việc VFF bị hút theo công việc sự vụ, bởi vậy mà có phần lơi lỏng, không theo dõi và đôn đốc đối với việc thực thi hàng loạt nhiệm vụ trong "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt tròn 5 năm trước (2013). Nếu đích thân Bộ trưởng làm Chủ tịch VFF, thì đây đương nhiên sẽ là cơ hội rất tốt để thúc đẩy việc triển khai thực hiện Chiến lược này trên cơ sở tạo sự gắn kết và phối hợp với nhiều Bộ, ngành khác!

Mặc khác, nếu đích thân Bộ trưởng làm Chủ tịch VFF, thì có thể tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ tạo được một "cú hích" trong mảng hoạt động bóng đá học đường (một trong những giải pháp quan trọng để mở rộng "chân đế" của bóng đá VN) – cũng nhờ sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp từ Bộ VHTTDL, phối hợp với Bộ GD&ĐT cũng như với UBND các tỉnh, thành phố...

2.  Gần như ngay lập tức, đây đó trong dư luận đã dấy lên luồng ý kiến ngược chiều, thậm chí có thể xem như phản biện: Bộ trưởng làm Chủ tịch VFF có bị xem như can thiệp quá sâu của Nhà nước đối với tổ chức xã hội? Thậm chí, nếu VFF có vấn đề cần chấn chỉnh thì vai trò quản lý Nhà nước trực tiếp của Tổng cục TDTT còn ý nghĩa gì nữa, khi lãnh đạo VFF cũng chính là... lãnh đạo cấp trên của Tổng cục?

Người viết tin rằng Bộ trưởng là người hơn ai hết hiểu rõ điều "tế nhị" này, và luôn cần tách bạch vai trò, vị thế của mình khi đảm đương công việc lãnh đạo một tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, tránh để xảy ra tình trạng ngược chiều "Nhà nước hóa tổ chức xã hội"!

Theo người viết, vấn đề trước hết nằm ở chỗ, khi thực hiện chức trách của Chủ tịch VFF, Bộ trưởng sẽ không đem vị thế của lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước mà đảm bảo đầy đủ quyền hạn theo Điều lệ VFF, cũng như tôn trọng quy chế hoạt động và ý kiến của các thành viên Liên đoàn.

Trong vai trò Chủ tịch VFF, ông cần là người cổ vũ và phát huy năng lực của bộ máy làm bóng đá dưới quyền, đặc biệt là các vị trí Phó Chủ tịch (phụ trách từng mảng công việc) và ban tổng thư ký. Xin nói thêm rằng các vị trí Phó Chủ tịch là hết sức quan trọng, cần tìm thật đúng người (có đủ Tâm, Tầm, kiến thức cũng như tinh thần trách nhiệm với công việc), qua đó có thể thay mặt Chủ tịch khi cần chỉ đạo và quyết sách các công việc lớn ở VFF, và hơn thế nữa, cần là một "ê kíp" đoàn kết. Đây chính là một khiếm khuyết của VFF nhiệm kỳ VII, thậm chí có thể xem như nguồn cơn của không ít rắc rối và mâu thuẫn...

Bộ trưởng làm Chủ tịch VFF, nhiều cái lợi, nhưng cũng sẽ là một thử thách không nhỏ!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm