Băn khoăn đầu tiên là về các thủ môn. Như có lần tôi đã viết trên chuyên mục này, trong các vị trí trên sân, tỉ lệ sai lầm của các thủ môn là cao nhất và hệ quả cũng là lớn nhất. Họ là chốt chặn cuối cùng và dù bắt tốt cả trận nhưng chỉ một giây sai lầm thì họ khiến cả đội bại trận.
Tôi nhiều lần bày tỏ sự cảm thông với Tấn Trường và cố gắng không liên hệ những sai lầm của thủ môn này với những câu chuyện tiêu cực mà bóng đá Việt Nam từng trả giá đắt. Nếu chỉ sai lầm một lần thì đó là tai nạn, nhưng lặp đi lặp lại thì không thể gọi là tai nạn nữa. Lần này Tấn Trường không còn lên mạng thanh minh thanh nga.
Giải thích thế nào với hàng loạt những sai lầm bị gọi thẳng tên “như là bán độ”? Đó là bàn thua trước Ceres Negros ở vòng bảng AFC Cup 2019 ngay trên sân nhà trong trận thua 1-3 đã khiến Tấn Trường nhận án kỉ luật nội bộ treo giò đến hết lượt đi.
Khi án kỷ luật này được xóa bỏ thì Trường lại sai lầm với pha ra vào ngớ ngẩn hết chỗ nói khiến Hà Nội bàn gỡ hòa 2-2 tại Gò Đậu ở những giây cuối cùng. Mới đây nhất, trận thua 0-2 trên sân Gò Đậu trước Than Quảng Ninh ở vòng 11 cũng chứng kiến sai lầm ngớ ngẩn của thủ thành này.
Pha bắt bóng 1 tay và để bóng rơi xuống ngay vị trí tiền đạo Than Quảng Ninh của Tấn Trường đã khép lại cơ hội giành điểm của Bình Dương khi đội khách tận dụng sai lầm này để ấn định chiến thắng 2-0 chung cuộc.
Sau Tấn Trường là Tiến Dũng - thủ môn “quốc dân” của U23 Việt Nam với những chiến tích ở Thường Châu, Trung Quốc. Hai lần ra sân, vài lần sai lầm đều đặn như vắt chanh có trở thành “thói quen” của anh? Dũng khác Trường ở chỗ, chấn thương và băng ghế dự bị là lý do. Nhưng trong bóng đá thường là thế này: sai lầm của thủ môn là phần cuối của chuỗi sai lầm của những vị trí trong đội bóng. Sai lầm ấy dễ bị quy với lỗi cá nhân nhưng trên thực tế chính là lỗi của một tập thể.
Trường hợp của Dũng là như thế.
Tờ Tuổi trẻ dùng hai từ “bạc nhược” để nói về Hà Nội sau trận thua ở Thiên Trường. Tôi cho rằng hai từ đó là quá nhẹ. Tờ này viết: “Hà Nội thêm một lần nữa không biết thắng trên sân khách, lần này là thất bại 0-2 trước Nam Định. Một trận thua không lời bào chữa bởi thái độ thi đấu bạc nhược, rời rạc trước dàn cầu thủ trẻ Nam Định chơi bóng với quyết tâm cao nhất”.
Điều đáng nói, trận đấu ở Thiên Trường có ông Park Hang-seo và nhìn những cầu thủ Hà Nội thi đấu, ông sẽ nghĩ gì?
Cũng cần nhớ rằng ông Park cũng không lạ lẫm gì với những trò ma giáo trong bóng đá. Chia sẻ trên một chương trình truyền hình của Hàn Quốc mới đây, HLV Park Hang-seo tiết lộ trong quá khứ ông từng sốc nặng vì bị nghi ngờ có dính líu tới việc học trò bán độ ở K.League. Đó là thời điểm nhiều cầu thủ của Jeongnam, đội bóng mà HLV Park Hang-seo dẫn dắt, bị phát hiện bán độ. Bản thân HLV Park Hang-seo cũng bị liên lụy vì bị cáo buộc bao che cho học trò.
Lý giải thế nào về thái độ “bạc nhược” của Hà Nội? Hay mỗi trận thua đều chỉ là những sai lầm?
Bất ngờ và khó tin không còn là “đặc quyền”của bóng đá. Một suất nâng điểm ở Lào Cao có giá tới... 1 tỉ đồng như báo chí đưa tin. Hay, câu chuyện nữ sinh bán gà, người bị tra tay vào còng số 8 mới nhất chính là bà mẹ của cô này và bây giờ ai cũng được nghe đó chính là một trong những đầu mối buôn bán ma túy ở Điện Biên. Quá nhiều bất ngờ và khó tin.
Vậy thì bóng đá đã là gì? Trong mớ bòng bong thật - giả đang diễn ra, liệu đặt vấn đề: “Nâng điểm ở Sơn La giá 1 tỷ thì nâng điểm ở V.League giá bao nhiêu?” hẳn không còn là quá bất ngờ.