Mại dâm ngàn đô và cái giá của sự không công khai

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ sáu 7-9-2018 11:22:09 +07:00 0 bình luận
Một đường dây tổ chức mua bán mại dâm bị bóc gỡ tại TPHCM gây ồn ào từ quán nước vỉa hè tới quán cà phê sang trọng, từ mạng xã hội tới báo chí chính thống. Bởi lẽ nó hội tụ đủ các yếu tố khiến người ta tò mò: tiền, sắc đẹp, tình dục.

Một đường dây tổ chức mua bán mại dâm bị bóc gỡ tại TPHCM gây ồn ào từ quán nước vỉa hè tới quán cà phê sang trọng, từ mạng xã hội tới báo chí chính thống. Bởi lẽ nó hội tụ đủ các yếu tố khiến người ta tò mò: tiền, sắc đẹp, tình dục. Hơn nữa, tham gia có sự xuất hiện của những người đẹp đã có danh hiệu hẳn hoi và số tiền cho một lần mua bán lên tới hàng ngàn USD khiến người ta choáng váng.

Ở Việt Nam, pháp luật hình sự coi hành vi tổ chức, môi giới, chứa mại dâm là tội phạm còn mua bán dâm không bị coi là tội phạm, trừ trường hợp mua dâm người chưa thành niên. Vậy thì có quá nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này. Chẳng hạn, vì sao lại công khai tên tuổi, thậm chí hình ảnh người bán, còn người mua thì không? Vì sao có cả một lực lượng người làm cái việc bán dâm mà không quy định thành một nghề? Nhiều nước công khai, hợp pháp hóa mại dâm để quản lý, tại sao Việt Nam lại không?

Thật ra cũng không phải là những câu hỏi mới. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi tổ chức, môi giới mại dâm nhưng thực tế việc ngăn chặn lại rất khó. Thậm chí một số địa danh khi nhắc tới, đã biết ngay là khu ăn chơi, nơi hoạt động mại dâm phát triển và sự mua bán có thể nói là diễn ra công khai.

Quốc hội cũng đã có nhiều phiên bàn về chuyện có nên coi mại dâm là một nghề hay hợp pháp hóa loại hình dịch vụ này.

Mại dâm ngàn đô và cái giá của sự không công khai - Ảnh 1.

Vụ mua bán mại dâm nghìn đô liên quan đến một số người đẹp đang gây rúng động dư luận. Ảnh chụp màn hình.

Thực tế trên thế giới đã có 15 nước chính thức công nhận mại dâm là nghề hợp pháp. Số nước ngầm cho phép (không chính thức thừa nhận nhưng ra luật về hoạt động mại dâm) lên tới 77 nước. Có 11 quốc gia hạn chế việc buôn phấn bán hương nhưng vẫn cho phép ở mức độ nhất định. Một số nước công nhận mại dâm là để quản lý và thu được thuế. Một số nước dù cho phép mại dâm nhưng dùng một số biện pháp cắt giảm như chỉ giới hạn hoạt động trong các "khu đèn đỏ". Tại Anh, mại dâm về mặt kỹ thuật là hợp pháp, nhưng chính quyền cấm lập nhà thổ, tiếp thị, quảng cáo dưới mọi hình thức. Gái mại dâm không thể kiếm được khách ở nơi nào khác ngoài khu đèn đỏ.

Tại Đan Mạch, mại dâm được hợp pháp hóa vào năm 1999, một phần bởi giới chức nước này cho rằng làm vậy dễ quản lý "ngành công nghiệp không khói" này hơn là để nó hoạt động ngầm. Phần Lan cũng coi mại dâm là hợp pháp, tuy nhiên môi giới, mua bán dâm tại nơi công cộng bị cấm…

Thế nhưng việc hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam chưa được thông qua, dù người ta thừa nhận đó là một tồn tại hiện hữu của xã hội bởi vấn đề này quá nhạy cảm, ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội.

Đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện cá độ bóng đá. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm đánh bạc dưới mọi hình thức, tất nhiên là có cả cá độ. Tuy vậy, hoạt động này vẫn diễn ra ngấm ngầm tạo ra những dòng chảy mạnh với sự tiếp tay của những nhà mạng, hệ thống thương mại điện tử.

Hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm từ cá độ bóng đá bất hợp pháp đã chảy ra nước ngoài là một sự lãng phí.

Cũng như mại dâm, việc quản lý hoạt động cá độ bóng đá (hay đặt cược thể thao nói chung) đang đứng trước ngã ba đường: pháp luật thì cấm nhưng thực tế thì không thể quản lý nổi, trong khi để công khai hóa vấn đề này thì lại vướng quá nhiều rào cản về xã hội, văn hóa, truyền thống cũng như những quy định chưa theo kịp của luật pháp.

Nghị định về đặt cược thể thao đã ra đời nhưng việc triển khai thực hiện vẫn vướng. Đó là một nghịch lý.

Không cần và không nên ủng hộ mại dâm, cũng như không được ủng hộ cá độ, lô đề nếu nó chưa hợp pháp và chưa được quản lý cụ thể bằng những quy định.

Nhưng một xã hội văn minh là cân đối giữa nhu cầu và hành vi để đặt thực tế đúng dòng chảy của cuộc sống. Cái giá của sự không công khai chính là việc người ta không thể định được đúng sai, thủ phạm hay nạn nhân.

Đó là việc cần làm chứ không phải bài ca hát mãi: không quản lý được thì cấm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm