Khi tham gia một lớp học về lý luận, tôi được các thầy kể câu chuyện về một nhà sư, một chú tiểu và một cô gái. Chuyện rằng: Có một vị hòa thượng già dẫn theo một tiểu hòa thượng đi thỉnh kinh. Trên đường đi, họ gặp một con sông. Cũng chính tại đó, họ gặp một phụ nữ rất muốn sang sông nhưng không dám lội xuống nước.
Không chút đắn đo, lão hòa thượng liền chủ động cõng người phụ nữ đó và đặt cô ta xuống sau khi đã đến bờ bên kia rồi tiếp tục cùng tiểu hòa thượng lên đường.
Trên đường đi, tiểu hòa thượng cứ mãi lăn tăn, lẩm nhẩm trong đầu một câu hỏi: “Sư phụ làm sao vậy? Sao người lại dám cõng một phụ nữ qua sông?”.
Vừa đi vừa nghĩ, cuối cùng, không thể nhẫn nại thêm được nữa, tiểu hòa thượng mới hỏi: “Sư phụ, người phạm giới rồi, tại sao người lại cõng phụ nữ?”.
Hòa thượng già thủng thẳng đáp: “Ta đã đặt cô ta xuống từ lâu rồi, còn con, đã đi một đoạn đường dài như vậy, con vẫn chưa bỏ được cô ta ra khỏi đầu sao?”.
Triết lý của câu chuyện ở đây không chỉ là về sự buông bỏ trong tâm trí mà còn là định nghĩa một sự việc thế nào là do tâm trí chúng ta cả.
Tháng 4 năm 2018, Coca-Cola chính thức trở thành nhà tài trợ cho các đội tuyển Việt Nam.
Coca-Cola tài trợ cho các đội tuyển bóng đá quốc gia năm 2018-2019, buổi lễ ký kết có sự chứng kiến của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng, HLV Park Hang-seo và một số cầu thủ đội tuyển bóng đá nam quốc gia. Theo đó, Coca-Cola Việt Nam trở thành đối tác chính thức của VFF, đồng hành hỗ trợ các đội tuyển quốc gia chinh phục giấc mơ tham dự World Cup trong tương lai.
Nghĩa là cùng với khoản tiền của một đối tác “khủng long”, chúng ta có quyền NGHĨ LỚN, tức là cố gắng đạt tới những mục tiêu mà trước nay chưa bao giờ mơ tới, ước tới.
“Mở lon mừng chiến thắng” hay “Khui lon mừng chiến thắng” tôi nghĩ là một cụm từ bình thường cho đến khi cơ quan quản lý văn hóa cho rằng nó không… bình thường. Nói một cách khác, từ “lon” gợi đến những ám chỉ tục tĩu. Sau khi có công văn lạ lùng trên thì từ “lon” ấy lan truyền trên mạng một cách chóng mặt và đều hướng tới nghĩa tục tĩu kia.
Nó làm tôi nhớ đến mấy lệnh cấm về tên miền ở Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng bưởi, lợn không thể nào dùng sản phẩm của mình để đăng ký tên miền kiểu “bưởi to” - chấm com, chấm vn chẳng hạn.
Bây giờ thì khổ thân cho cái lon. Nó bị hàm oan bởi cái tên tồn tại bao nhiêu lâu nay. Bây giờ thì phải làm thế nào?
Thực tế thì Coca-Cola khôn ngoan, họ nhanh chóng nhận lỗi (dù tôi tin trong thâm tâm họ cũng không biết là bị lỗi gì). Họ nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.
Tất nhiên, Coca-Cola cần phải cảm ơn yêu cầu lạ lùng kia, họ được quảng bá miễn phí mà chẳng phải bỏ thêm đồng nào. Thế là đủ.
Còn tôi cho rằng, chúng ta không thể thay cụm từ “mở lon”, “khui lon”, “cho một lon”… hàng ngày bằng một ám chỉ nào khác, bởi nó là cuộc sống. Và trước khi nghĩ “NGHĨ LỚN” thì đừng “NGHĨ LỘN”, nhất là liên quan đến cái lon.