Nó xuất phát từ hai điều. Thứ nhất là trình độ ông Park Hang-seo đã cho thấy là ở đỉnh cao so với mặt bằng bóng đá Việt Nam, vượt trội so với các HLV nội. Cứ nhìn đội U.22 Việt Nam đang đá giải Đông Nam Á do một HLV nội dẫn dắt là thấy ông Park quan trọng đến thế nào.
Thứ hai là vấn đề quan niệm và tâm lý: khi đã mất tiền thuê một ai đó, người ta cố gắng tận dụng tối đa công sức, trí tuệ của người được thuê để cho đáng đồng tiền bát gạo. Kiểu như “mất tiền mua mâm thì phải đâm cho thủng”, nghĩa là vắt kiệt sức, tận dụng tối đa.
Ngày trước khi còn làm ở báo Thể thao 24h, tôi có được tiếp một bạn trẻ đến xin làm. Bạn trẻ này tự giới thiệu là tốt nghiệp Đại học bên Mỹ, tham gia viết các loại báo, tiến Anh nói như gió. Thông tin như vậy quá ổn. Tôi đặt vấn đề là: “Thế em có thể viết được những giải nào?” thì bạn trẻ kia tròn mắt nói: “Ôi anh ơi, em được đào tạo và thế mạnh của em chỉ là đưa ra những ý tưởng, kiểu vạch lối chỉ đường thôi còn viết thì phải là việc người khác chứ. Cách làm việc bên Mỹ của bọn em là như thế: thằng có nhiều ý tưởng chỉ việc ngồi nhấp cà phê và nghĩ ra các thể loại ý tưởng để triển khai còn thằng viết giỏi thì căn cứ vào đó viết, như vậy mới nâng hiệu quả công việc”. Nghe vậy thì tôi cười: “Ở đây chắc chỉ còn một vị trí cho em thôi, đó là vị trí của... chính anh, mà thật ra anh vẫn viết bài hàng ngày đấy thôi”.
Nhưng đúng thật đây là một vấn đề mang tính xã hội. Lâu nay chúng ta cứ kêu ca rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp ở tầng đáy, thua Singapore, Thái Lan mấy chục lần, thua cả Lào, Campuchia mà quên mất một yếu tố rằng: trong các nguyên nhân thì có nguyên nhân là chưa tối ưu hóa được vị trí việc làm. Thành tích dựa trên số lượng đầu việc được giao chứ không hẳn là hiệu quả công việc. Kiểu như đưa về một nhân viên bắt làm đủ các loại việc trong khi sở trường của anh này không được phát huy.
Trở lại câu chuyện của ông Park, tôi tin rằng nếu chỉ dẫn dắt một đội thì ông sẽ toàn tâm toàn ý để dồn sức cho mục tiêu thay vì giao cho ông các loại đội bóng để rồi bắt ông thầy người Hàn quay như chong chóng, vừa xay lúa vừa bế em.
Nhưng ai dám quyết việc này? Bởi lẽ chuyện dùng HLV ngoại kiểu một tay ôm các loại đội tuyển đã kéo dài gần 2 chục năm với bóng đá Việt. Từ A.Riedl đến Calisto, Falko Goetz, Miura... hay những HLV nội như Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng đều như vậy. Cứ có nhiệm vụ là ấn ngay vào tay ông một đội tuyển và làm đi. Cũng bất ngờ là không có HLV nào từ chối, dù họ biết làm như vậy sẽ rất khó tập trung được.
Thực tế thì lãnh đạo VFF “cáo già” lắm, hợp đồng nào cũng thòng chuyện phải làm tướng một loạt các đội tuyển từ ĐTQG đến SEA Games, Olympic hay U.22. Bởi lẽ với vùng trũng này, giải gì cũng quý.
Thực tế thì tất cả quên mất rằng: đội tuyển QG mới là bộ mặt thật sự và duy nhất của nền bóng đá.
Ông Park Hang-seo có lý khi bày tỏ với báo giới Hàn Quốc rằng mong muốn chỉ dẫn dắt hoặc tuyển quốc gia hoặc U.23 Việt Nam trong năm 2019. Nếu dẫn dắt một đội tuyển thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Nhà báo Đức Lộc (báo Thể thao & Văn Hóa) có đưa ra con số đáng suy nghĩ trong vòng 13 tháng, từ U.23 châu Á đến Asian Cup, Park Hang-seo cầm quân tổng cộng 32 trận. Cụ thể: U.23 châu Á 6 trận; Cúp Vinaphone 3 trận; ASIAD 7 trận; AFF Cup 8 trận, Asian Cup 5 trận; giao hữu 3 trận. Số lần dẫn dắt các đội tuyển của ông Park gần gấp đôi số trận của HLV tuyển Pháp Deschamps (tham dự đủ các thể loại giải, vào đến trận cuối cùng của World Cup, đá 18 trận trong năm 2018) hay gần gấp ba HLV nhận lương cao nhất ở World Cup 2018 là Joachim Loew (đội tuyển Đức). Trong năm 2018, Loew cầm quân tổng cộng 13 trận...
Chuyên môn hóa và tận dụng tối đa trí tuệ của HLV cho một mục tiêu cũng là vấn đề cần làm, cần tính toán chứ đừng dùng ông Park kiểu “mua mâm thì đâm cho thủng”.